Dang dở dịch vụ
Đồi cát Lý Trạch cách trung tâm TP.Đồng Hới khoảng 15 km, là nơi thuộc quản lý của 3 xã Lý Trạch, Nhân Trạch và Quang Phú (H.Bố Trạch, Quảng Bình). Tại khu vực thuộc quản lý của UBND xã Lý Trạch, hơn 1 năm trở lại đây khu vực này thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ mô tô ATV địa hình để leo lên các ngọn đồi trượt cát.
Thế nhưng vừa qua, UBND xã Lý Trạch đã có văn bản đình chỉ hoạt động trượt cát bằng mô tô ATV và hoạt động kinh doanh dịch vụ tại đồi cát.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại khu vực đồi cát Lý Trạch hiện có 4 hộ gia đình đang kinh doanh dịch vụ mô tô ATV địa hình để chở khách lên đồi cát. Năm 2022, người dân tự tìm hiểu rồi đầu tư mua xe để đưa vào kinh doanh.
"Chúng tôi biết đến dịch vụ này từ các tỉnh, thành phía nam, những nơi có nhiều đồi cát. Sau đó, vay mượn tiền để mua các loại xe địa hình, trong 1 năm trở lại đây thu hút rất nhiều du khách đến trải nghiệm", ông Lê Văn Quảng, một người dân tại xã Lý Trạch, cho biết.
Mỗi chiếc mô tô ATV địa hình có giá từ 200 - 300 triệu đồng. Các hộ dân tại đây đều sở hữu từ 5 - 7 chiếc. Du khách muốn trải nghiệm dịch vụ này phải chi trả 80.000 đồng cho 2 lượt lên và xuống.
Theo ông Quảng, sau khi quảng bá trên mạng xã hội về dịch vụ này, du khách đã rất quan tâm. Từ đầu tháng 4 đến tháng 8.2023, khách du lịch Quảng Bình tìm đến khu vực đồi cát rất đông, thậm chí mùa đông cũng có du khách nước ngoài tìm đến.
"Sau khi có văn bản đình chỉ, nhiều du khách tìm đến nhưng chúng tôi không thể phục vụ. Các mô tô giờ phải cất trong nhà", ông Quảng nói.
Rủi ro du lịch tự phát
Ông Nguyễn Quang Tiến, quyền Chủ tịch UBND xã Lý Trạch, cho biết từ năm 2022, khi nắm được thông tin người dân đầu tư xe để kinh doanh tại đồi cát, chính quyền xã đã nhiều lần nhắc nhở.
"Việc đầu tư một số tiền lớn để mua sắm các phương tiện kinh doanh du lịch khi chưa được cấp phép là sai với quy định và về sau sẽ ảnh hưởng đến chính họ. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn, tổ chức các cuộc họp để nhắc nhở người dân nhưng tình trạng này vẫn xảy ra", ông Tiến nói.
Trong khi đó, nhóm 4 hộ dân đã mua mô tô ATV bày tỏ mong muốn địa phương có phương án cụ thể, tạo điều kiện để loại hình dịch vụ này sớm được hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, khẳng định sở luôn đồng hành, khuyến khích các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách nhưng phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện đúng với quy định của pháp luật.
"Mô tô ATV địa hình thuộc danh mục các sản phẩm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, đã có quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, các sản phẩm thuộc danh mục nói trên muốn thực hiện phải có biện pháp bảo đảm an toàn. Các đơn vị này lại không thực hiện theo quy định", ông Quý nói.
Cũng theo ông Quý, ngoài yếu tố an toàn, để đưa vào khai thác một sản phẩm du lịch còn phải đảm bảo các điều kiện về đất đai, phương tiện, an toàn giao thông, an ninh trật tự...
Bình luận (0)