(TN Xuân Nhâm Thìn) Có một Việt Nam điềm tĩnh, thượng tôn pháp luật quốc tế và được cộng đồng thế giới ủng hộ mạnh mẽ khi xử lý các vấn đề liên quan đến biển Đông. Các chuyên gia biển Đông hàng đầu, dù có thể còn bất đồng ở những vấn đề khác nhau, nhưng đều nhất trí cao về điều này.
Nhìn lại một năm nhiều sự kiện, Thanh Niên có cuộc trao đổi với các chuyên gia quốc tế hàng đầu về biển Đông đến từ ba châu lục khác nhau. Đó là tiến sĩ Mark Valencia (Văn phòng Nghiên cứu quốc gia về châu Á - Mỹ), Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) và tiến sĩ Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Singapore).
Là những nhà phân tích nhiều năm nghiên cứu chủ đề biển Đông, các ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này trong năm 2011?
Giáo sư Thayer: Tôi tự nhận mình là một chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh trong khu vực hơn là chỉ nghiên cứu đơn thuần về biển Đông. Thông thường mỗi năm tôi thực hiện khoảng 200 cuộc phỏng vấn với các hãng thông tấn, báo đài quốc tế về lĩnh vực mình quan sát. Thế nhưng trong năm 2011, con số cuộc phỏng vấn tôi thực hiện xấp xỉ là 300 và đa số các câu hỏi đều liên quan đến chủ đề biển Đông. Rõ ràng chủ đề này là mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế trong năm qua.
Tiến sĩ Valencia: Trong mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, có cả những mối quan ngại. Sự quan tâm đó ngày càng tăng và giới nghiên cứu chúng tôi có lẽ lại sắp có một năm bận rộn phía trước.
|
Tiến sĩ Storey: Tôi nhận thức rõ nghĩa vụ của mình là phải luôn cố gắng hết sức để có thể cung cấp cho mọi hãng thông tấn báo chí những phân tích, đánh giá chính xác và khách quan nhất nhằm giúp cho độc giả của họ hiểu rõ hơn các vấn đề cốt lõi cũng như những nguyên tắc bất di bất dịch trong chủ đề biển Đông.
Những nguyên tắc đó là gì?
Tiến sĩ Valencia: Mọi hoạt động đánh bắt, khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế từ 200 hải lý trở lại là phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ đều phải dựa trên luật pháp quốc tế mà cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS-82).
Giáo sư Thayer: Tôi không bao giờ ủng hộ việc dùng vũ lực trong mọi hoàn cảnh để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ. Tôi không bao giờ chấp nhận việc đơn phương tuyên bố chủ quyền mà không dựa trên bất kỳ cơ sở, bất kỳ luật pháp quốc tế nào; và tôi chắc chắn rằng nhiều đồng nghiệp của mình ở các nước khác cũng chia sẻ quan điểm này. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang nhận được những hậu thuẫn cũng như những đánh giá cao trong cộng đồng quốc tế nhờ thái độ điềm tĩnh trong phương thức xử lý các vấn đề biển Đông.
|
Xin nói rõ hơn vì sao Việt Nam nhận được sự hậu thuẫn đó?
Tiến sĩ Valencia: Việt Nam đã tránh được mọi hành vi gây hấn và thể hiện quan điểm của mình theo phương thức hòa bình thông qua các kênh ngoại giao, trên cơ sở tuân thủ UNCLOS-82 để giải quyết mọi bất đồng. Việt Nam cũng minh bạch, rõ ràng với cộng đồng quốc tế quan điểm về chủ quyền của mình trong suốt thời gian qua.
Tiến sĩ Storey: Việt Nam đã áp dụng những phương thức ngoại giao thích hợp khi xử lý các vấn đề biển Đông trên cương vị Chủ tịch ASEAN, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Trong sự hậu thuẫn cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, còn có cả sự cảm thông và chia sẻ.
|
Đã có ai đó cho rằng trong phân tích và bình luận của mình, các ông thường đưa ra những nhận xét có vẻ “ưu ái” Việt Nam chưa?
Tiến sĩ Storey: Tôi làm việc tại một nước trung lập trong vấn đề biển Đông và nhiệm vụ của giới nghiên cứu chúng tôi là phải luôn đóng vai trò của một người quan sát trung lập. Tôi không việc gì phải ưu ái Việt Nam hay nói đúng hơn là tôi không nghiêng về bất kỳ một quốc gia nào liên quan đến chủ đề này. Nếu có ai đó cho rằng đôi khi tôi có những bình luận gay gắt trong một thời điểm nhất định thì đó chỉ có thể là phản ứng của tôi trước những hành vi ngang ngược và coi thường luật pháp quốc tế trong khoảng thời gian đó.
Giáo sư Thayer: Tôi không có ý định làm đẹp lòng lãnh đạo bất kỳ một nước nào trong vấn đề này. Khi trả lời phỏng vấn báo chí về chủ đề biển Đông, tôi thể hiện quan điểm của mình với báo chí Việt Nam, trong đó có Thanh Niên, như thế nào thì cũng sẽ giữ nguyên nội dung đó khi trả lời bất kỳ một hãng thông tấn nước ngoài nào khác. Nếu có điều chỉnh thì chỉ về mặt ngữ cảnh mà thôi.
Khi trả lời báo chí về chủ đề biển Đông, ông có bao giờ chịu áp lực từ chính cơ quan ông đang làm việc hay từ bất kỳ một tổ chức nào khác?
Tiến sĩ Valencia: Tôi không quen chịu đựng những áp lực kiểu như vậy.
Giáo sư Thayer và tiến sĩ Storey: Không. Không bao giờ có những áp lực như thế.
Các ông còn có những đánh giá nào khác trong năm mới?
Giáo sư Thayer: Năm 2012 sẽ đặt trọng tâm thúc đẩy các nỗ lực đa phương nhằm đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, để từ đó tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý. Tất nhiên, để đạt được thành công thì điều kiện tiên quyết là các bên liên quan phải có thái độ thực sự hợp tác.
Tiến sĩ Valencia: Những thỏa thuận gần đây đã cho thấy những triển vọng hứa hẹn cho một biển Đông hòa bình. Tương lai là chuyện của tương lai; còn bây giờ, tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng.
An Điền
(thực hiện)
Bình luận (0)