'Định danh' cho cao tốc 2 làn xe

22/05/2024 04:18 GMT+7

Tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, trong phần thảo luận về luật Đường bộ sáng 21.5, nhiều đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn về quy chuẩn với đường bộ cao tốc, cũng như thiếu cơ sở pháp lý khiến việc thu phí ô tô vào nội đô tại các thành phố lớn sau nhiều năm chưa thể triển khai được.

Cao tốc 2 làn xe chỉ là "đường tốc độ cao" ?

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội (QH) Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ quy định quản lý đối với đường cao tốc do nhà nước đầu tư và đường cao tốc do tư nhân đầu tư; đồng thời đề nghị xem xét lại định nghĩa đường cao tốc, cần quy định đường cao tốc tối thiểu phải có 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.

Giải trình về nội dung trên, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho biết giai đoạn vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm đảm bảo kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển KT-XH. Tuy nhiên, thực tế khai thác cho thấy các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số bất cập.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế

Lê Hoài Nhân

Từ năm 2023, Thủ tướng đã chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe; nhưng việc triển khai theo định hướng này vẫn rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện. Việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc đã được quy định tại dự thảo luật do Chính phủ trình. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu quy định tại quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện. Do đó, UBTVQH đề nghị không quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật đường cao tốc trong dự thảo luật.

Đề nghị QH cũng xem xét bổ sung thêm đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp với cao tốc, đường tốc độ cao và quốc lộ.

'Định danh' cho cao tốc 2 làn xe- Ảnh 2.

Gia Hân

 

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh

Tranh luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng ngân sách còn hạn chế nên thời gian tới đường cao tốc phân kỳ sẽ vẫn tồn tại. Nhưng để đảm bảo an toàn nên đặt tên khác là "đường tốc độ cao". Đường tốc độ cao khác với đường cao tốc là có thể chỉ có 2 làn xe ở 2 chiều, cũng có thể không có dải phân cách và cũng có thể không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông như đường quốc lộ, song khác với đường quốc lộ là không có dân cư 2 bên. "Đề nghị QH cũng xem xét bổ sung thêm đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp với cao tốc, đường tốc độ cao và quốc lộ", ông Cảnh đề xuất.

Cần sớm thu phí giao thông nội đô

Băn khoăn về quy định liên quan tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất đô thị xây dựng, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng việc quy định quá chi tiết chưa phù hợp với thực tế nhiều địa phương. Theo đó, dự luật quy định tỷ lệ này với đô thị loại đặc biệt từ 18 - 26%; đô thị loại 1 từ 16 - 24%... Nhưng thực tế ở Hà Nội hay TP.HCM hiện nay, tỷ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới chỉ đạt 13 - 15%.

"Nếu quy định cứng tỷ lệ đất dành cho giao thông, áp dụng ngay cho các đô thị bao gồm cả đô thị hiện hữu và hình thành mới mà không kèm theo các chế tài, biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ không khả thi trong điều kiện hiện nay", bà Thủy nêu.

Mặt khác, điều kiện đất đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển giao thông đô thị ngày càng đắt đỏ, ví như Hà Nội đang dự kiến mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy với tính toán ban đầu là 5.500 tỉ đồng/km. Chưa kể các khó khăn trong thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông hiện nay thì các đô thị không thể phát triển theo hướng xây mới, mở rộng đường giao thông trong nội đô, nội thị. Do đó, cần chú trọng hơn các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế

Lê Hoài Nhân

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định, nhằm hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Ngoài ra, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

"Hiện tại cả 5 thành phố trực thuộc T.Ư đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt", bà Thủy cho hay. Nếu luật Đường bộ và luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc tại các thành phố lớn.

Thanh tra đường bộ không được xử lý vi phạm trên đường

Về nội dung quy định lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) trong dự luật, UBTVQH cho biết trong quá trình xây dựng luật, một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định lực lượng TTGT chỉ được kiểm tra khi mà xe dừng đỗ ở các bến bãi. Các ý kiến này đề nghị nghiên cứu thẩm quyền dừng xe của TTGT, xuất phát từ thực tế xe quá khổ, quá tải tàn phá đường. Nếu giao cơ quan TTGT kiểm tra hạ tầng nhưng không giao thẩm quyền dừng xe thì sẽ không thực hiện được nhiệm vụ.

Vì thế, dự thảo cần bổ sung trường hợp cần thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, TTGT được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của thanh tra đường bộ. Ví dụ được dừng khẩn cấp các phương tiện vận tải có dấu hiệu chở hàng hóa quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích có khả năng làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ.

UBTVQH cho biết dự thảo luật Đường bộ quy định theo hướng TTGT đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường; chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu. Việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng CSGT thực hiện. Quy định như dự thảo nhằm bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng CSGT và lực lượng TTGT, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ. Do đó, đề nghị QH cho giữ như dự thảo luật Chính phủ trình.

Chuyển đấu giá biển số sang luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Góp ý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định về đấu giá biển số xe là tài sản phải đấu giá, đồng thời đề nghị Chính phủ có quan điểm rõ về việc luật hóa các quy định về đấu giá biển số xe ô tô.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay việc đấu giá biển số xe ô tô đang được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 73 năm 2023 của QH, trong thời gian 3 năm; Chính phủ sẽ báo cáo QH kết quả thực hiện và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô tô tại kỳ họp đầu năm 2026. Đến nay, thời gian thực hiện thí điểm chưa được 1 năm nên cần thêm thời gian để đánh giá và tổng kết trước khi xem xét đưa vào luật.

Tiếp thu cuối phiên thảo luận, ông Vũ Hồng Thanh cho biết ngày 19.5 vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo bằng văn bản liên quan đến việc luật hóa đấu giá biển số xe ô tô. Cơ quan thẩm tra đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh, thống nhất sẽ báo cáo UBTVQH về việc chuyển quy trình, thủ tục đấu giá biển số xe sang quy định dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.