Dinh dưỡng học đường: Tích lũy dưỡng chất thúc đẩy chiều cao và thể lực

12/08/2019 09:19 GMT+7

Chế độ ăn cho trẻ lứa tuổi tiểu học với việc bổ sung đầy đủ năng lượng và vi chất giúp trẻ phát triển thể chất và cung cấp năng lượng cho học tập.

Giai đoạn tích lũy dưỡng chất

Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), giai đoạn tiểu học (6-11 tuổi) là thời điểm cơ thể đẩy mạnh phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đây còn là giai đoạn tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị cho quá trình dậy thì. Thiếu hụt thành phần dinh dưỡng nào cũng đều gây ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện tầm vóc cùng như trí lực của trẻ khi bước vào giai đoạn trưởng thành.
Do đó trẻ tiểu học cần được cung cấp đủ nhu cầu về năng. Cụ thể, năng lượng chung cho trẻ 6 tuổi cần 1.600 Kcal/ngày; trẻ 7-9 tuổi: 1.800 Kcal/ngày; 10-12 tuổi: 2.100 - 2.200 Kcal/ngày.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo: Cần cân đối đạm động vật và thực vật; hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán vì những thực phẩm này giàu chất béo và năng lượng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Chú trọng bữa sáng

Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng khuyến cáo bữa ăn gia đình và bán trú nên chế biến cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, nên chia 4 bữa/ngày (3 bữa chính, 1 bữa phụ) và trẻ cần ăn no vào bữa sáng. Nếu ăn quá ít hoặc không ăn sáng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, thậm chí hạ đường huyết trong giờ học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
• Thức ăn không nấu mặn để trẻ quen khẩu vị nhạt là thói quen giúp phòng bệnh mạn tính (tăng huyết áp, tim mạch) trong tương lai. Ngoài ra, cần tạo cho trẻ có thói quen uống nước kể cả khi không khát. Nhu cầu nước uống tùy theo cân nặng, tuổi và hoạt động thể lực của trẻ. Trẻ 6-11 tuổi cần uống trung bình từ 1,3 - 1,5 lít nước (nước đun sôi để nguội, nước trái cây, sữa không đường, nước rau luộc, nước canh…).

Vi chất thiết yếu từ sữa, vitamin từ quả chín

 Tháp dinh dưỡng cho trẻ 6-11 tuổi do Viện Dinh dưỡng khuyến nghị

Tháp dinh dưỡng cho trẻ 6-11 tuổi do Viện Dinh dưỡng khuyến nghị

Ảnh: Ngọc Thắng

Theo khuyến cáo chính thức của Viện Dinh dưỡng quốc gia (tháp dinh dưỡng riêng cho lứa tuổi học đường), rau lá, rau củ quả, trái cây là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ. Số lượng tiêu thụ cho nhóm trẻ 6 - 11 tuổi là 2 - 3 đơn vị ăn một ngày (một đơn vị ăn rau lá, rau củ quả tương đương với 100 g rau lá, củ quả). Trẻ 6 - 11 tuổi cần ăn trung bình 2 - 3 đơn vị ăn rau lá, rau củ quả/ngày. Trái cây, quả chín mỗi ngày nên ăn từ 1,5 - 2,5 đơn vị (một đơn vị trái cây/quả chín bằng 100 gram).
Viện Dinh dưỡng cũng khuyến cáo, sữa và sản phẩm từ sữa có giá trị dinh dưỡng cao vì trong thành phần có đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt trong sữa và chế phẩm của sữa có hàm lượng canxi cao, dễ hấp thu. Số lượng sữa tiêu thụ trung bình một ngày nên từ 4 - 6 đơn vị (một đơn vị đối với sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100 mg canxi tương đương: 1 cốc sữa dạng lỏng 100 ml hoặc 1 hộp sữa chua 100 gram…).
Cùng với dinh dưỡng cân đối không gây béo phì, lứa tuổi tiểu học cần được tạo thói quen ăn nhạt (dưới 4 gram muối/ngày), giảm đồ ngọt (dưới 15 gram đường/ngày) và cần được hoạt động thể lực 60 phút/ngày.
Thói quen ăn uống của học sinh có một số điểm thay đổi như: xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn ít có lợi cho sức khỏe; xu hướng ăn khẩu phần ăn quá lớn và ăn nhiều chất đạm (chủ yếu là thịt) so với nhu cầu, trong khi đó lại ăn ít rau, trái cây và ăn chưa đủ nhu cầu về sữa và sản phẩm từ sữa.
Căn tin trong trường học cần tăng cường các thực phẩm có lợi cho sức khỏe như: quả chín/trái cây tươi, nước trái cây tươi, sữa, sữa chua… góp phần hình thành quá trình thực hành dinh dưỡng tốt với các học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.