Định hình đối trọng

02/06/2014 00:35 GMT+7

Hơn một năm sau khi được quyết định thành lập, Ngân hàng phát triển của Nhóm BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã định hình.

Các thành viên đã đạt thỏa thuận về góp vốn ban đầu và tiêu chí hoạt động cho ngân hàng. Theo đó, mỗi nước góp 2 tỉ USD tiền mặt. Phần vốn ban đầu 40 tỉ USD còn lại được các thành viên bảo lãnh. Sau 5 năm, vốn của ngân hàng được tăng lên mức 100 tỉ USD. Các thành viên cũng thỏa thuận cấp vốn tín dụng không đi kèm điều kiện chính trị. Ngân hàng có thể mở rộng cho các đối tác khác tham gia nhưng 5 thành viên BRICS giữ ít nhất 55% cổ phần.

Đối với BRICS thì sự định hình ngân hàng chung đánh dấu bước phát triển mới. BRICS muốn chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm. Quan trọng hơn, nhóm này muốn tạo đối trọng mới đối với cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lẫn Ngân hàng Thế giới (WB). Cả hai thể chế tài chính này trên thực tế bị phương Tây chi phối, cấp phát tín dụng luôn gắn cùng với điều kiện chính trị chẳng khác gì can thiệp trực tiếp vào chủ quyền và chuyện nội bộ của quốc gia cũng như về lâu dài khiến các đối tác nhận tín dụng bị lệ thuộc.

Với ngân hàng chung, BRICS không chỉ tìm cách tự giúp nhau phát triển mà không còn cần đến IMF và WB cũng như phân hóa các đối tác khác với 2 tổ chức kia. Đó cũng còn là một cách tập hợp lực lượng, tấn công vào phạm vi ảnh hưởng và uy danh của IMF lẫn WB. Riêng đối với Nga, việc này trong bối cảnh hiện tại còn giúp Nga vô hiệu hóa chính sách cô lập, trừng phạt của Mỹ và EU.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.