Mỗi nơi, mỗi kiểu
Bạn Hoàng Thu Trang ở chung cư Viễn Đông (Q.5, TP.HCM) lo lắng: "Em rất thích trở thành nhà thiết kế thời trang nhưng bố mẹ cản vì cho rằng nghề này không căn bản, mông lung lắm. Còn khi đến trường hỏi cô giáo thì cô giáo hẹn sẽ tư vấn sau, vì cô cũng chưa nắm hết thông tin của ngành học này. Bây giờ em chẳng biết sao nữa vì gần đến ngày nộp hồ sơ thi ĐH rồi!". Còn bạn Nguyễn Đức Long ở đường Bông Văn Dĩa (TP. Cà Mau) thì thắc mắc: "Muốn trở thành người thiết kế game thì cần phải học trường ĐH nào?"...
Qua tìm hiểu ở các trường THPT thì được biết, ngay từ năm 2006 khi thực hiện thay sách giáo khoa lớp 10, Bộ GD-ĐT đã bắt đầu đưa bộ môn giáo dục hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy. Mục đích của môn học này nhằm cung cấp kiến thức cho học sinh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, có kỹ năng tự đánh giá năng lực bản thân, điều kiện gia đình khi lựa chọn nghề và có ý thức tích cực tìm hiểu, thái độ đúng đắn với lao động nghề nghiệp...
Với môn học có tác dụng hướng nghiệp quan trọng như vậy, nhưng đa số lãnh đạo các trường khi được đề cập đến đều lắc đầu và cho rằng: "Mới chỉ đảm bảo điều kiện cần mà thôi và mỗi trường một vẻ, mạnh trường nào trường ấy làm"...
"Cưỡi ngựa xem hoa"
Đề cập đến chất lượng giảng dạy, ông Lâm Văn Triệu - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: "Chất lượng giảng dạy của mỗi tiết học, của mỗi giáo viên không đồng đều. Chẳng hạn như chủ nhiệm là giáo viên môn khoa học tự nhiên thì tư vấn cho học sinh các ngành về khoa học xã hội sẽ không sôi nổi bằng những giáo viên của chính các ngành học đó và ngược lại, hoặc có thầy cô đầu tư nhiều công sức cho bài giảng, có thầy cô thì hời hợt. Nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận vì đó đâu phải chuyên môn của họ".
Điều này cũng dễ hiểu vì là môn học chính khóa nhưng không thực hiện việc đánh giá kết quả thông qua điểm số nên trường nào quan tâm thì tốt còn không thì thôi, giáo viên thì tự bơi, học sinh khối 10, 11 còn thờ ơ, chỉ đến lớp 12 may ra mới quan tâm. Đa số các giáo viên chủ nhiệm khi được hỏi đến đều thẳng thắn: "Nhà trường phân công thì phải thực hiện chứ thật ra chúng tôi chẳng có ham thích khi giảng dạy nên cũng khó lòng thu hút được học sinh. Đó là chưa kể đến phải lo cho bộ môn chính của mình đâu còn mấy thời gian sưu tầm, tìm hiểu tài liệu để hướng nghiệp sinh động".
Tuy nhiên khi đặt vấn đề nên chăng bộ môn giáo dục hướng nghiệp cần được đánh giá điểm số để nhà trường, giáo viên và học sinh nhận thức mà đầu tư thì các trường đều cho rằng không nên vì hiện nay học sinh đã phải học thi quá nhiều rồi. Điều mà các trường cần đó là: "Có giáo viên hoặc cán bộ chuyên trách để có thời gian tập trung nghiên cứu đầu tư cho môn học, từ đó mới giúp học sinh chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp, tạo sự cân bằng trong xã hội. Ngoài ra phải có bộ phận quản lý, phối hợp với ban ngành khác để cùng tạo điều kiện cho hoạt động của môn học chứ để nhà trường tự lo e không xuể", ông Phạm Đăng Khoa - trợ lý thanh niên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đề xuất.
Được biết, hiện nay tại TP.HCM, Sở GD-ĐT có duy nhất một cán bộ kiêm nhiệm theo dõi bộ môn này nên các trường báo cáo thực hiện thế nào thì Sở biết vậy chứ chưa khi nào tiến hành thanh kiểm tra việc giảng dạy. Từ thực tế trên cho thấy rằng giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", thực hiện theo đúng chỉ thị, văn bản mà thôi.
Bích Thanh
Bình luận (0)