Định hướng tương lai cho quản lý tài sản kỹ thuật

12/10/2023 17:14 GMT+7

Hội nghị quốc tế về Quản lý tài sản kỹ thuật (WCEAM) lần thứ 17 với chủ đề “Quản lý tài sản kỹ thuật bền vững trong thế giới hậu Covid-19: Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, Thời đại 5.0 và các chủ đề khác” sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 18-20.10.2023.

Hội nghị quốc tế về Quản lý tài sản kỹ thuật năm nay được đăng cai tổ chức bởi Đại học RMIT Việt Nam, Hiệp hội Quản lý tài sản kỹ thuật quốc tế (ISEAM) và Viện Tài sản.

Năm 2023, Việt Nam nổi lên như một quốc gia đang phát triển nhanh chóng trên trường thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất dự kiến là 6,5% vào năm 2024. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được kết quả tối ưu cho người dân, doanh nghiệp và cả quốc gia nói chung.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm bộ môn Trí tuệ nhân tạo, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT, cho biết: "Thách thức bao gồm các yếu tố rủi ro liên quan đến địa chính trị, thị trường, địa lý, môi trường, công nghệ và biến đổi khí hậu, cùng với sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số của cả khu vực công lẫn tư nhân".

Sự kiện WCEAM 2023 sẽ tập trung vào Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số

Sự kiện WCEAM 2023 sẽ tập trung vào Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số

Do đó, sự kiện WCEAM 2023 sẽ được tổ chức tại trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất Việt Nam, lấy Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là trọng tâm. Tính bền vững của sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam phụ thuộc vào khả năng quản lý và duy trì tài sản kỹ thuật, có thể ở dạng cơ sở hạ tầng vật lý như đường sá và đường ray, cũng như trong các phương tiện số như dữ liệu và cơ sở hạ tầng mạng.

Tiến sĩ Minh chia sẻ: "RMIT Việt Nam chọn đăng cai WCEAM lần thứ 17 năm nay vì cam kết của trường trong việc không ngừng đóng góp cho các mục tiêu kinh tế và xã hội của đất nước".

"Thông qua việc tổ chức WCEAM lần thứ 17, RMIT cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng và đối tác giáo dục đa ngành tiếp cận các công nghệ mới nổi và tiên phong ứng dụng Công nghiệp 4.0 trên nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng, sản xuất, nông nghiệp, vận tải và hậu cần".

Sự kiện dự kiến sẽ chào đón hơn 100 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới đến gặp gỡ và chia sẻ kiến thức mới nhất trong nghiên cứu và ứng dụng các khung quản lý tiên tiến, công cụ phân tích và công nghệ để quản lý tài sản kỹ thuật trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, dầu khí, nước, giao thông, quốc phòng, y tế và cơ sở hạ tầng công cộng.

Tiến sĩ Minh tiết lộ: "Cụ thể, chúng tôi thu thập các bài phát biểu và bài thuyết trình nghiên cứu mô tả nỗ lực chung trong việc áp dụng các công nghệ mới nổi trong quản lý tài sản kỹ thuật ở nhiều quốc gia khác nhau, đem lại những bài học kinh nghiệm cho thực tiễn ở Việt Nam".

"WCEAM lần thứ 17 sẽ mang đến tuyển tập tài liệu nghiên cứu và bài thuyết trình của lãnh đạo trong ngành, cùng với những nghiên cứu điển hình cụ thể liên quan đến tài sản kỹ thuật. Những tài liệu này bao gồm các mô hình dự đoán va chạm trong bối cảnh đường cao tốc hai làn ở nông thôn miền núi Nepal, thực tiễn quản lý và bảo trì tài sản trong lĩnh vực viễn thông của Nigeria, các giải pháp bảo trì dự đoán của những sân bay quốc tế và một số gợi ý cho các sân bay Việt Nam".

WCEAM năm nay sẽ có sự góp mặt của nhiều diễn giả nổi tiếng, trong đó có ông Alan T. Johnston, Chủ tịch Mimosa (trái), và Giáo sư Sujeeva Setunge, Đại học RMIT (phải)

WCEAM năm nay sẽ có sự góp mặt của nhiều diễn giả nổi tiếng, trong đó có ông Alan T. Johnston, Chủ tịch Mimosa (trái), và Giáo sư Sujeeva Setunge, Đại học RMIT (phải)

Đáng chú ý, bài phát biểu của các diễn giả, trong đó có ông Alan T. Johnston, Chủ tịch Mimosa, và Giáo sư Sujeeva Setunge, Đại học RMIT, sẽ khơi dậy đối thoại về cách Việt Nam và các bên tham gia thị trường có thể hưởng lợi từ việc phát triển chiến lược quản lý vòng đời tài sản, bên cạnh những nghiên cứu điển hình về quản lý tài sản cơ sở hạ tầng dân dụng bao gồm tòa nhà, cầu, hệ thống thoát nước và mặt đường.

Ngoài các bài thuyết trình mang tính học thuật, một loạt phiên thảo luận chuyên ngành cũng sẽ được tổ chức nhằm cung cấp công nghệ và bài học cụ thể phù hợp với hoạt động kinh doanh và vận hành của người tham gia.

Sự kiện quy tụ các đối tác trong ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Ericsson, De Heus, Tigernix, ABB,... kiến tạo diễn đàn kết nối vượt xa khỏi giới học thuật.

Đăng ký tham dự WCEAM lần thứ 17 tại đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.