Đậm tình làng nghĩa xóm
Giữa tháng giêng 2013, đình làng Hòa Mỹ rộn ràng chiêng trống, người người tất bật ngược xuôi. Trên con đường dẫn vào đình làng, các loại cờ, phướn, băng rôn… rực rỡ chào mừng sự kiện được xem là đặc sắc và mang đậm văn hóa làng quê: con dân các làng Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Phước Lý và Hòa Phú (thuộc P.Hòa Minh) tề tựu về đình làng tham gia lễ hội. Tại đình, các nghi lễ truyền thống như cầu quốc thái dân an, dâng hương cổ truyền nhớ ơn các bậc tiền nhân, thả chim bồ câu cầu hòa bình, còn có các hoạt động sôi nổi khác như tổ chức phiên chợ quê với đầy đủ các món ăn dân dã từ bánh tráng, bánh đập, bánh xéo, bún mắm, mì quảng…
Việc tổ chức lễ hội chung của 4 làng nói trên, theo UBND P.Hòa Minh là nhằm kết nối quan hệ hữu hảo vốn có từ xưa giữa các tộc họ, giữa các làng trong quá trình Nam tiến mở mang bờ cõi. Ngoài ra, đây cũng là dịp hiếm có để từng gia đình, các làng tăng cường giao lưu, đoàn kết gắn bó một lòng, chia sẻ khó khăn, phát huy tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau tri ân những người có công lập làng. Đồng thời qua đó để các “làng trong phố thị” trao đổi kinh nghiệm tổ chức lễ hội vui vẻ, đầm ấm mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa cốt lõi trong việc tế lễ đình làng là vì cái chung, vì mọi người, mọi nhà và vì cộng đồng, vì dân tộc, vì đất nước.
|
Hội làng trong phố thị lần đầu tiên tổ chức ở đình làng Hòa Mỹ vì thế được đón nhận nồng nhiệt từ các bô lão, chức sắc ở các làng và cả con dân của các tộc họ. Những đồ dùng, các loại nông cụ, tư liệu sản xuất của nhà nông một thời giờ được các cụ trong làng Trung Nghĩa mang đến lễ hội như để nhắc nhở các lớp cháu con mới đây thôi nơi đây đã từng tồn tại những cánh đồng, những thửa ruộng, những bờ tre, giếng nước… gắn liền với những tình cảm chân thành sâu nặng, những người hàng xóm láng giềng tốt bụng sẵn sàng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn.
Trong khi đó, các làng khác cũng mang đến những sắc phong, các tư liệu về quá trình xây dựng, hình thành làng mình để giới thiệu cho bà con chiêm ngưỡng. Một người dân trong làng thẳng thắn chia sẻ: “Đây cũng là cách để giáo dục mấy đứa trẻ, thanh niên mới lớn trong các làng “chưa kịp rũ bùn đã bước vội vào đời sống thị dân” cần cẩn trọng, tránh cám dỗ, cố giữ và phát huy bản chất thật thà, trung thực, hào nghĩa vốn có, chớ đừng ăn chơi, lêu lổng, tụ tập, hút chích, đánh nhau, quậy phá xóm làng”.
Vì xã tắc, trăm họ
Đình làng Hòa Mỹ thuộc P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu), tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 2.000 m2. Đây không phải là ngôi đình có quy mô to lớn cũng không hẳn là ngôi đình được xếp vào bậc “cao niên” trong các ngôi đình ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Song, đình làng Hòa Mỹ lại khiến các nhà nghiên cứu lưu tâm khi trong đình hiện diện 3 bức hoành phi có tuổi đời hàng trăm năm, được treo trang trọng trong chính điện. Bên trong chính điện chia làm 3 ban thờ, giữa thờ Thành hoàng, hai bên thờ các chư phái tộc, tiền hiền, hậu hiền. Bên trên treo 3 bức hoành phi: Ở giữa ghi “Chính khí trường tồn”, bên trái “Quốc thái dân an”, bên phải “Phong điều vũ thuận”. Người làng Hòa Mỹ khẳng khái cho rằng, dù là đình làng, nhưng trên thực tế, đều biểu đạt mong ước chung của người làng Hòa Mỹ là cầu mong cho cả đất nước thanh bình, nhân dân yên ổn, mưa thuận gió hòa.
Hòa mình cùng dòng người theo chúa Nguyễn Nam tiến, những cư dân từ vùng đất Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đã vượt Hải Vân quan vào Đà Nẵng lập làng, khai canh, khai cư. Khi chúa Nguyễn Hoàng lập dinh Quảng Nam vào năm 1650, huyện Hòa Vang bấy giờ thuộc phủ Điện Bàn gồm ba tổng là Hà Khúc, Lỗ Giáng và Lệ Sơn. Hòa Mỹ là một trong 5 xã thuộc tổng Lệ Sơn. Theo người dân trong làng, ngôi đình đầu tiên được xây dựng tại xứ Đá Mộc theo kiểu 3 gian, tường xây, mặt quay về hướng tây. Năm 1946, ngôi đình bị giặc Pháp chiếm đóng và đốt phá, chỉ còn nền móng. Mãi đến năm 1970, các tộc họ mới đồng tâm hiệp lực xây dựng lại ngôi đình.
Và đến năm 2006, khi đời sống kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, người dân Hòa Mỹ lại tiếp tục trùng tu, xây dựng ngôi đình mới khang trang như ngày hôm nay. Dù có nhiều thay đổi về kiến trúc cảnh quan, nhưng việc thờ tự trong đình vẫn không thay đổi và không nằm ngoài mục đích truyền tụng từ bao đời là cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… Từ khi lập làng, xây dựng đình Hòa Mỹ cho đến nay, mỗi năm con dân trong làng đều tổ chức cúng đình vào ngày 12.1 (âm lịch) đình làng Hòa Mỹ: Tổ triệu tôn bồi phan diễn hậu lai chư phái tộc/Thu thường xuân tự phụng thừa tiền đại tích huân công (Nghĩa là: Tổ tiên gây dựng, con cháu bồi đắp làm rạng rỡ các phái tộc về sau/Hai mùa xuân thu tế tự, phụng thừa đời trước tích lũy huân công).
Đình làng Hòa Mỹ hiện còn lưu giữ 9 sắc phong của các vua triều Nguyễn như Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại (vào các năm từ 1850 - 1939). Hiện nay, các vị chức sắc tại làng Hòa Mỹ phát động con cháu trong làng, khi cưới nhau lập gia đình, mỗi cặp trai gái trồng cây cau tại khu vực đình và đã trồng trên 120 cây, lập thành “vườn cau cội nguồn”. Theo quy ước, những buồng cau đầu tiên kết trái sẽ được cặp vợ chồng người trồng mang vào dâng cúng tổ tiên trong đình.
“Hội làng trong phố” ở Hòa Mỹ thể hiện rõ nét đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” đậm chất nhân văn trong đời sống con người Việt Nam cần phải được giữ gìn, truyền đời, dù chúng ta đang sống ở thành thị hay nông thôn.
Chiếm vị trí nổi bật, số lượng lớn trong hầu hết các di tích đình miếu ở xứ Quảng là hoành phi. Có thể nói thế giới của những bức hoành phi ở xứ Quảng rất thâm sâu, lời ít ý nhiều, nêu gương sáng về đức độ và đạo làm người, hết lòng thờ phụng tiền nhân thiêng liêng và cao cả. (Theo Tôn Thất Hướng - Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam) |
Nguyễn Hữu
>> Hệ thống Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt
>> Khởi công bảo tồn phục hồi 2 di tích Huế
>> Khởi công trùng tu di tích Ngọ Môn - Huế
>> Phê duyệt mở rộng Khu di tích Yên Tử
Bình luận (0)