Đình làng kỳ sự: Kỳ bí ngôi mộ hình yên ngựa ở đình cổ nhất Đà thành

14/08/2018 08:48 GMT+7

Không chỉ là nơi từng được dân quân du kích sử dụng để làm 'hòm thư mật' trong kháng chiến, cạnh đình làng Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) còn có ngôi mộ cổ hết sức bí ẩn.

Được xây dựng lần đầu tiên cách đây khoảng 300 năm, đình làng Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) là ngôi đình thuộc hàng cổ nhất xứ Quảng Đà.

Nhiều tài liệu dẫn trong Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 triều Lê) xác định huyện Tân Hòa có 3 tổng, trong đó Nại Hiên Đông là 1 trong 18 xã của tổng Hòa Mỹ.

Từ những ngày đầu lập làng, 7 tộc họ lớn đã chung tay xây dựng nên ngôi đình để thờ phụng tổ tiên, thần hoàng bổn xứ. Và cũng chính nơi mảnh đất này, những tướng lĩnh đã nằm lại theo bước chân nam tiến mở mang bờ cõi.

Ngôi mộ có hình yên ngựa kỳ lạ nằm ngay trong khuôn viên ngôi đình tuy được xác định của một vị tướng đức cao vọng trọng nhưng cũng gây không ít thắc mắc cho giới chuyên môn.

Đình làng Nại Hiên Đông được xây dựng lại vào năm 1957 ngay tại vị trí cũ ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Đặng Ngọc Tài, Phó chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông cho biết trước năm 2004, ngôi mộ cổ nằm cách đình khoảng 50 m về hướng tây. Sau này mộ được di chuyển đúng nguyên hiện trạng về nằm sát ngay ngôi đình do vướng dự án mở đường. Từ đây, giới nghiên cứu tiếp cận các hiện vật trong ngôi mộ đã hé lộ nhiều thông tin thú vị.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo (Đà Nẵng) cho hay ngôi mộ cổ rộng chừng khoảng 16m2 này là của Thứ đội trưởng Phan Quý Công qua đời khi từ miền bắc vào nam công tác. Người con trai của ông khi có dịp ghé Nại Hiên Đông đã lập bia để tưởng nhớ công đức cha mình.

“Văn bia bằng chữ Hán ghi rõ Hiển khảo thuộc Thứ đội trưởng Phan Quý Công, thụy Minh Trí chi linh mộ. Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhậtCó thể hiểu rằng mộ được lập vào năm 1625, tức cách đây khoảng 400 năm vào một ngày tốt từ 21 - 30 tháng 7 âm lịch”, ông Hảo phân tích.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo khẳng định, đây là ngôi mộ cực kỳ hiếm thấy trên cả nước ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Hảo cũng cho biết sử sách có ghi Thứ đội trưởng là một cấp chỉ huy quân của triều hậu Lê nhưng không quy định dạng mộ xây nên khi chết. Do đó, ngôi mộ hình yên ngựa của Phan Quý Công không giống bất cứ ngôi mộ cổ nào từng có mặt tại xứ Quảng.

“Tôi đã từng nhìn thấy những ngôi mộ hình hạt xoài, hình tròn… nhưng hình yên ngựa thì tôi chưa bao giờ thấy. Ngôi mộ này không liên quan đến văn hóa người Hoa”, ông Hảo nói.

Ông Hảo đã cất công nghiên cứu nhiều tài liệu để lý giải về hình thù ngôi mộ này trong nhiều năm. Mãi đến năm 2004, khi dời mộ, nhiều người phát hiện có nhiều khuy sắt dùng làm bàn đạp cho người trèo lên ngựa được liệm theo, ông mới có hướng phân tích mới mẻ hơn.

Ông cho rằng với chức vụ là một tướng lĩnh trong quân đội phong kiến, Thứ đội trưởng Phan Quý Công khi chết đã được người con trai lập ngôi mộ hình yên ngựa để tưởng nhớ công đức khi một võ tướng còn chinh chiến trên lưng ngựa.

Hình yên ngựa biểu tượng cho vị tướng Đức lớn an dân ngàn năm thạnh/Công cao hộ quốc vạn niên trường như được ghi trên bia.

Văn tự trên bia cho thấy, mộ được lập vào năm 1625, tức cách đây gần 400 năm ẢNH: HOÀNG SƠN

“Hòm thư mật” trong đình cổ

Ngay từ những buổi đầu kháng Pháp (1858), dưới sự tổng chỉ huy của vua Tự Đức cùng danh tướng Nguyễn Tri Phương, Nại Hiên Đông luôn là cái tên gánh chịu nặng nề nhất của những đợt tấn công từ quân địch.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo cho hay từ năm 1901, khi Đà Nẵng hoàn toàn trở thành nhượng địa của Pháp, đình làng Nại Hiên Đông đã bị quân Pháp cướp đoạt chuông cổ, khí cụ…

Trong suốt khoảng thời gian kháng Pháp từ năm 1945 - 1954, đình làng Nại Hiên Đông trở thành trụ sở sinh hoạt của Thành ủy Đà Nẵng. Cuối năm 1945, người dân địa phương đã phát động phong trào Tuần lễ vàng tại đình làng.

Di tích lịch sử - văn hóa đình Nại Hiên Đông vừa được công nhận là di tích cấp TP ẢNH: HOÀNG SƠN

Nhiều người đã đem theo nhẫn, bông tai bằng vàng để đóng góp. Rồi tiếp đó là phong trào thu lượm đồng đúc đạn phục vụ kháng chiến. Nhiều gia đình đã hiến nồi đồng, mâm đồng và những vật dụng bằng đồng khác, bởi vậy dân địa phương vẫn truyền tai câu hát: Một nồi đồng đúc mười viên đạn/Trăm viên đạn giết vạn thằng Tây.

Trong bản xác nhận đình làng Nại Hiên Đông “là nơi hội tụ của lực lượng vũ trang khu đông Đà Nẵng”, cụ Trần Chiến (năm 1946 - 1949 là cấp ủy trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang khu đông, năm 1950 - 1957 là Thành ủy viên, Bí thư Đảng bộ B36 Quân Hải cảng - Sông Đà) cho hay thời kỳ kháng Pháp, đình làng là nơi hoạt động của các lực lượng như đặc vụ quân sự, biệt động đội, tự vệ chiến đấu vì đây là một địa điểm rất thuận lợi cho việc triển khai quân đi các nơi.

Trong kháng chiến, ngôi đình Nại Hiên Đông được cán bộ cách mạng sử dụng làm “hòm thư mật” để chuyển tài liệu đi các nơi ẢNH: HOÀNG SƠN

 Đây cũng là nơi làm được nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Ủy ban kháng chiến hành chính khu đông. Chính vì lẽ này mà trong chiến dịch thu - đông, quân Pháp đã càn quét. Biết được đình Nại Hiên Đông là nơi cộng sản hoạt động đã cho san phẳng và thiêu rụi.

Di bút, tài liệu, sắc phong của đình bị đốt thành tro. “Đến năm 1950 - 1952, cơ quan B36 cũng dùng nơi này làm hòm thư mật để trao chuyển các tài liệu cách mạng đi ra các tàu thủy ở vịnh Đà Nẵng và các nơi khác của Quân Hải cảng và khu Sông Đà”, cụ Chiến viết và khẳng định ngôi đình là một di tích lịch sử trong kháng chiến.

Lần trùng tu gần nhất cách đây 25 năm giữ ngôi đình như diện mạo ngày nay ẢNH: HOÀNG SƠN

Nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo cho biết thêm, năm 1950, nhờ sự xử trí mềm dẻo của các bô lão đã thuyết phục được chính quyền Pháp cho cất lại ngôi đình tạm bợ bằng tranh tre.

Năm 1957, “phường trưởng phường 1” đã thảo một lá đơn có nội dung trong đó có chữ ký của nhiều người dân gửi “Hội đồng xã Nại Hiên Đông, Việt Nam cộng hòa năm thứ 3” để xin dựng lại ngôi đình từ tiền đóng góp được.

Mãi đến năm 1994, ngôi đình “hòm thư mật” mới được đại trùng tu và giữ diện mạo khang trang cho đến ngày nay.

Kỳ bí ngôi đình chứa hòm thư mật và ngôi mộ hình yên ngựa
 

Sở Âm linh thờ chí sĩ yêu nước

Đình làng Nại Hiên Đông được xếp hạng là di tích lịch sử cấp TP vào ngày 3.4.2017.

Trong khuôn viên đình có Sở Âm linh với 3 miếu thờ những chí sĩ yêu nước trận vong trong những ngày đầu kháng Pháp, những linh hồn không nơi nương tựa…

Hằng năm, ngoài lễ chính cầu an vào ngày 12.2 âm lịch còn có ngày cúng cô hồn vào ngày rằm tháng 7.

Nhiều tài liệu cho biết phong tục cúng tế tại đình làng cũng rất độc đáo với lễ Uế mao huyết với cách cúng thịt heo sống có kèm theo lông và huyết của con vật.

Đây là phong tục cổ xưa có từ thời Hồng Bàng còn lưu truyền mà các tỉnh phía nam từ đèo Hải Vân vào không còn giữ được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.