Đó là hình ảnh buổi khai mạc triển lãm Những câu chuyện châu Á của Đinh Ýá Nhi tại Mosaique, 23 Ngô Văn Sở, Hà Nội (*), sau 4 năm chị "lặn mất tăm", sau hàng chục triển lãm lớn nhỏ trong và ngoài nước. Giải thích về tên gọi triển lãm Những câu chuyện châu Á, Ýá Nhi nói: "Tôi rất thích Hội An, thường đến đó, đi qua, đi lại trong thị xã, ngắm nhìn vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ ở một vài địa điểm, người ta bán vé tham quan.
Du khách có thể vào bên trong. Nhưng dù sao bạn vẫn chỉ là một du khách, và tôi cũng vậy. Cho đến một ngày, bà ngoại của chồng tôi nói: "Hai đứa có đi Hội An ăn giỗ không. Tổ tiên của bà đã đến Hội An từ thế kỷ XVIII". Và tôi đã về Hội An để gặp rất nhiều các ông, bà, chú, bác. Đi sâu thật sự vào trong những ngôi nhà, ở giữa những câu chuyện đan dệt nhau từ thời xa lắc, tôi đã cảm nhận hương vị thời gian đang trôi qua bên mình. Bạn có thể hỏi rằng: "Vậy thì có gì liên quan đến những cái tranh này, chẳng thấy một ngôi nhà nào, chẳng có đèn lồng hay đồ cổ gì ở trong những cái tranh này hết". Đúng vậy, nếu thay cái tên Những câu chuyện châu Á bằng những tên khác thì câu chuyện cũng chẳng có gì thay đổi. Bởi, cái mà tôi muốn chia sẻ với bạn là cảm giác "ở bất kỳ nơi nào đó, cuộc sống đã và đang diễn ra sâu thẳm, câu chuyện thật sự ở đằng sau đẹp hơn cả những gì mắt mình nhìn thấy".
Không chọn những chiều kích lớn lao, những đề tài to tát (và dễ "ăn" giải trong cuộc thi chính thống) như chiến tranh, thiên nhiên, đất nước, thời cuộc, tranh của Đinh Ý Nhi chỉ là những câu chuyện nho nhỏ trong đời thường của một người đàn bà. Phảng phất trong những nét vẽ vặn vọ, nguệch ngoạc, vừa chậm rãi, lại vừa có phần vội vã, trong sự sắp đặt (cố ý) những cặp màu đối lập cạnh nhau đỏ - vàng, đen - trắng, tối - sáng là cảm giác vừa đau đớn, vừa hài hước, vừa hạnh phúc, vừa run rẩy. Bằng cách "bóp méo" những khối cầu, khối lập phương, khối trụ, dường như Ý Nhi muốn diễn tả trạng huống xiêu vẹo, lệch lạc, vô hướng, trống rỗng mà có lẽ cuộc đời ai cũng từng một lần trải qua. Trong tranh của chị, cảm giác tận thế, sụp đổ, hỗn loạn được gây ra bởi mật độ có tính ngẫu nhiên của các nét và điểm. Người ta cũng thấy sự vững chãi, sự lệch lạc, sự mong manh chỉ vừa vặn đủ trong một tích tắc, thế rồi sau đó, chúng lại chuyển hóa lẫn nhau, đan cài vào nhau. Tất cả, như Ý Nhi nói, giống như những gì mà cuộc sống thực vẫn diễn ra, buồn cười đấy, nực cười đấy nhưng cũng bi lụy ngay đấy.
Xem tranh Ý Nhi, người ta "đọc" được sự mâu thuẫn, thậm chí bất lực giữa cái hữu hạn của phương tiện biểu đạt (nghệ thuật tạo hình) và sự vô hạn của cái được biểu đạt (xúc cảm, tinh thần, tư tưởng). Chúng ta ai cũng mong muốn một đời sống tinh thần phong phú. Trong sự phong phú ấy thì kinh nghiệm, liên tưởng và tư duy thị giác có lẽ là bộ phận quan trọng nhất. Nếu đồng ý rằng nghệ thuật góp phần căn bản đào luyện các giác quan thì có thể tranh Ý Nhi phần nào giúp người ta cảm nhận ngoại giới trong sự vận động của không gian và thời gian, và cả trong những chiều kích thực và không thực.
* Vì sao đang từ đen - trắng, chị lại chuyển sang màu?
- Chất liệu mới cho phép mình có những cách biểu đạt khác. Nhưng để nắm vững chất liệu thì cũng phải mất rất nhiều thời gian.
* Có phải vì thế mà bao năm nay chị vẫn vẽ cùng một kiểu, cùng một cách, đến nỗi có người đã sốt ruột bảo "Ý Nhi không biết vẽ", "Nhi cũ quá rồi"...
- Thói quen, sở thích không dễ thay đổi. Hơn nữa, tôi vẽ tranh theo nhu cầu thôi thúc từ bên trong mình, chứ không gắng gượng tạo ra nhu cầu đó hoặc chiều theo thị trường. Mọi sự giả dối đều khiến nghệ thuật trở nên vô giá trị. Để vẽ những bức nguệch ngoạc ấy, tôi phải chờ đợi, lắng nghe nhịp sống của chính mình.
* Không ít người thắc mắc cuộc sống đời thường của chị nhàn nhã thế, yên bình thế, mà tranh của chị sao lại đau đớn thế, vật vã thế?
- Cũng có nhiều người hỏi tôi đời sống gia đình của Nhi có chuyện gì không. Tôi nghĩ không phải cứ lăn lê ngoài đường thì mới vẽ được. Bởi vì bạn không chỉ sống và thỏa mãn với hai bữa cơm hằng ngày, vì thế bạn vẫn có thể có cảm giác bất an ngay cả khi đời sống thực của mình rất yên ổn.
* Tôi thấy có một bức nhỏ nhất trong Những câu chuyện châu Á, chị đã đề giá bán 1.000 USD. Thật ra, đấy không phải mức giá cao cho một họa sĩ có "thương hiệu" như chị. Hình như tranh của Đinh Ý Nhi chẳng mấy khi đắt khách. Cánh họa sĩ còn thì thào với nhau là: "Mua tranh của bà Nhi về treo trong nhà thì trẻ con khóc thét…".
- Đúng là tranh của tôi cần không gian riêng để treo, và tìm được một chỗ cũng không dễ. Sự thật là sau mỗi triển lãm, tranh của tôi không bán được vèo vèo, có thể tôi chẳng bán được cái nào, hoặc có thể chỉ bán được rất ít. Nhưng với tôi, bán hay không bán được tranh cũng không quan trọng lắm. Tôi cần người chia sẻ. Lúc vẽ, tôi không nghĩ đến tiền. Còn tranh vẽ xong thì đương nhiên phải có giá bán. Giá cao hay thấp là cả một câu chuyện dài. Nhưng rất may, những người cộng tác với tôi đều hiểu điều ấy.
* Nhưng bán được nhiều tranh cũng là một cách thể hiện thương hiệu, đẳng cấp đấy chứ, hơn nữa, đó lại là mơ ước của không ít họa sĩ Việt Nam...
- Hãy thử tưởng tượng một ông bác sĩ vừa gõ bụng bệnh nhân vừa nghĩ xem bệnh nhân này có bao nhiêu tiền, cũng giống như nghệ sĩ, vừa vẽ tranh vừa nghĩ xem cái tranh này bán được bao nhiêu thì rất tệ hại. ở Việt Nam, ballet và nhạc giao hưởng không được phần đông khán giả ưa thích. Đơn giản là, những thứ không đại chúng sẽ không có nhiều công chúng, đấy là chuyện bình thường. Tôi nói thế không phải để biện minh cho mình. Tranh của tôi kén khách không có nghĩa là nó đẹp. Cái này tùy thuộc thị hiếu thẩm mỹ của người xem.
Dĩ nhiên, nếu tìm kiếm được công chúng và nhu cầu của người nghệ sĩ trùng khít với nhu cầu của số đông công chúng thì càng tốt. Nhưng vấn đề chỉ ở chỗ: tôi thích làm theo những suy nghĩ của mình. Bản chất của nghệ thuật là sự biểu đạt nội tâm, chứ không phải là sự sản xuất hàng hóa theo kiểu đồng loạt. Trong khi đó, người thưởng thức thì đôi khi rất cảm tính. Họ chỉ có thể nói "thích" hoặc "không thích", chứ không phân tích được cái sự "thích" và "không thích" ấy ở góc độ chuyên môn. Có những sở thích thay đổi rất nhanh, chẳng hạn như sở thích thời trang, nhưng thay đổi thị hiếu nghệ thuật là việc rất khó.
* Vì thế mà sự định giá nghệ thuật bây giờ rất nhập nhèm...
- Ai xem tranh tôi rồi chê tranh Nhi không đẹp thì tôi sẽ không buồn bằng lời chê dạo này Nhi bắt đầu làm việc nhố nhăng rồi đấy. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mình làm việc nghiêm túc và mình có niềm tin.
* Những nghệ sĩ sáng tạo đơn độc và âm thầm thì không nhiều...
- Cũng có thể mở một triển lãm thì bạn sẽ được biết đến nhiều hơn. Theo tôi, nghệ sĩ có quyền tiếp thị tác phẩm của mình, nhưng đừng quá lố.
***
Tóc cắt ngắn kiểu "một mất, một còn", cặp lông mày không bao giờ tỉa, gương mặt mộc, không chút son phấn. Lâu lâu, đang nói chuyện với khách lại mở điện thoại ra xem giờ đón con. Chuyện vãn thì luống cuống bắt xe ôm đi đón con cho kịp giờ. Đinh Ý Nhi có cái tất bật và mãn nguyện của một người - đàn - bà - của - gia - đình. Thế nhưng, qua cách chị kể những câu chuyện, người ta không khỏi liên tưởng đến Người đàn bà và con chó nhỏ - một truyện ngắn của nhà văn Nga Anton Chekhov. Đại ý của Chekhov là, trong mỗi con người đồng thời có hai cuộc sống: một cuộc sống lộ ra bên ngoài mà ai cũng thấy, cũng biết, một cuộc sống đầy những "sự thật ước lệ"; còn một cuộc sống nữa thì lặng lẽ, kín đáo trôi qua. Ở mỗi người, đằng sau tấm màn bí mật, như đằng sau màn đêm tối, còn có một cuộc đời thực, cuộc đời thú vị nhất, đang ẩn náu. Sự thật là mỗi cuộc đời riêng đều tồn tại trong bí mật...
Y Nguyên
Bình luận (0)