Không mở được lớp, hoạt động cầm chừng
|
Ông Trần Bình Tấn, cán bộ quản lý Trung tâm LTĐH Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết học sinh không còn tìm đến trung tâm đăng ký luyện thi nữa. Mặc dù treo bảng thông báo từ tháng 3, đến nay trung tâm không mở được một lớp nào. Hiện tại, nơi đây chỉ có một lớp luyện thi dành cho thí sinh tự do mở từ tháng 9.2017.
Sáng 20.5, tại cơ sở 33 Vĩnh Viễn của Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn có 20 học sinh đang miệt mài học lớp LTĐH môn toán. Nhưng đây là lớp toán duy nhất mà trung tâm đang mở và là lớp có đông học viên đăng ký nhất.
Ông Đặng Văn Thành, Giám đốc trung tâm này, cho biết năm nay mỗi môn học chỉ mở được một lớp với số lượng học sinh rất ít. Chẳng hạn, môn hóa, lý được 14 học viên, toán hơn 20 học viên... Các lớp phải tập trung về một cơ sở để dạy.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết những năm trước mỗi năm có hàng chục trung tâm LTĐH nhờ ông đến tư vấn tuyển sinh cho học viên. Năm nay chỉ có… một trung tâm. Các trung tâm khác đóng cửa gần hết. Một số ít trung tâm còn hoạt động chỉ luyện thi cầm chừng cho vài học viên đăng ký.
Hết thời luyện thi cấp tốc !
Mặc dù vẫn thông báo luyện thi cấp tốc nhưng không trung tâm nào mở được lớp. Dạy lớp toán có đông học sinh nhất tại Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn nhưng ông Hoàng Hữu Vinh cho biết việc gộp 2 kỳ thi lại như hiện nay đã biến mất khái niệm “luyện thi cấp tốc”. Học sinh trong lớp đã học từ nhiều tháng trước, gồm nhiều trình độ, có cả thí sinh tự do cũng như học sinh đang học lớp 12.
tin liên quan
Lo ngại việc quay lại luyện thi căng thẳngÔng Trần Giang Nam, Giám đốc Trung tâm LTĐH QSC-45, cũng cho biết lớp cấp tốc không tuyển được một học viên nào. Trung tâm chỉ mở được một số lớp luyện thi bắt đầu học từ nhiều tháng trước đó. Đa phần học viên đăng ký luyện thi là thí sinh tự do chủ yếu luyện thi để năm nay nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH như: Y Dược TP.HCM, Ngoại thương, các trường công an, quân đội.
Trung tâm LTĐH 60 An Sương một thời tấp nập học viên, đông đến mức dạy đến đêm khuya, thuê cả khách sạn cho học viên ở trọ. Nhưng giờ đây, ông Lương Hải, Giám đốc trung tâm, cho biết chỉ có vài học viên đăng ký, việc luyện thi hiện tại đơn thuần là… có bao nhiêu dạy bấy nhiêu.
Chuyển hướng hoạt động
Ông Nguyễn Đức Quốc, từng là Giám đốc Trung tâm LTĐH 60 An Sương, giờ chuyển nhượng hẳn trung tâm để đầu tư vào một trường THCS - THPT. “Đây đã là những phút cuối cùng cho sự tồn tại của các trung tâm LTĐH. Có thể chỉ 1 - 2 năm nữa thôi, tất cả các trung tâm sẽ biến mất hoàn toàn”, ông Quốc khẳng định.
Thạc sĩ Phạm Hồng Danh từng là Giám đốc Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn nhưng hiện nay ông cũng giao quyền điều hành cho ông Đặng Văn Thành để chuyên tâm đầu tư vào Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM).
Nhiều năm nay, Trung tâm LTĐH QSC-45 chỉ hoạt động ở một cơ sở duy nhất. Tuy nhiên, ông Trần Giang Nam, cũng cho biết bên cạnh việc duy trì cầm chừng trung tâm, ông đang tìm một hướng đi khác, có thể là cùng bạn bè mở trung tâm du học.
Trúng tuyển ĐH dễ hơn
Học sinh không ôn thi như ngày xưa nữa mà có xu hướng tự ôn luyện nhiều hơn. Việc trúng tuyển ĐH cũng rất dễ dàng. Vì vậy, tình cảnh “chợ chiều” của các trung tâm LTĐH sẽ tiếp diễn và các trung tâm này sẽ không thể vực dậy nổi.
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM)
Đề thi thay đổi, cách ôn luyện cũng khác
Xu hướng đề thi hiện nay bám sát chương trình phổ thông, chỉ học trong trường là đủ kiến thức để đi thi. Ngoài ra, học sinh hiện nay còn học online khá nhiều. Việc xét tuyển vào ĐH cũng rất dễ dàng bằng hình thức học bạ. Những học sinh thi vào các trường ĐH nổi tiếng cũng không đến trung tâm luyện thi vì những em này xét tuyển tổ hợp thi nào sẽ chọn những thầy cô dạy giỏi những môn đó để đến tận nhà thầy cô ôn luyện.
NGUYỄN ĐỨC QUỐC (từng là giám đốc Trung tâm LTĐH 60 An Sương)
Tín hiệu tích cực
Đây là tình hình chung không thể tránh được hiện nay. Tuy nhiên, việc thí sinh không phải đổ xô, chen chúc đi luyện thi mà tự học nhiều hơn và đề thi chỉ nằm trong chương trình học là điều rất tích cực.
PGS-TS ĐOÀN LÊ GIANG (Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
|
Bình luận (0)