Người hâm mộ banh nỉ thế giới quá quen với hình ảnh lì lợm, hài hước và đôi khi là ngạo mạn của Djokovic. Một cá tính như vậy có bao giờ khóc? Chắc là có, nhưng chẳng mấy ai nhớ lần gần nhất anh rơi lệ là khi nào. Nhưng tại Philippe-Chatrier đêm qua, tay vợt người Serbia vỡ òa, khóc như một đứa trẻ sau khi đánh bại Carlos Alcaraz trong trận chung kết đơn nam Olympic Paris 2024. Giọt nước mắt đó nói lên nhiều điều.
Đó là giọt nước mắt giải tỏa cơn khát danh hiệu. Trước Olympic Paris, anh là tay vợt vô địch Grand Slam nhiều nhất trong lịch sử (24 lần), là người duy nhất vô địch đủ 9 giải ATP Master 1000, là tay vợt đứng số 1 thế giới lâu nhất… Anh cần tấm HCV Olympic để hoàn thành “Golden Slam” (vô địch đủ 4 Grand Slam và có HCV Olympic), để sự nghiệp trở nên hoàn hảo, trọn vẹn hơn.
Nhưng ở Olympic, vận may không ngoảnh mặt với Djokovic. Trước đây, anh có đến 3 lần vào đến bán kết trong 4 lần tham dự. Anh có thể “làm mưa làm gió” ở nhiều giải đấu nhưng tại Olympic, tay vợt này vẫn phải chịu nhiều cay đắng. Và sau mỗi lần thất bại, khát khao giành HCV Olympic càng trở nên lớn lao, mãnh liệt hơn. Đó cũng là “vũ khí” để Djokovic đánh bại Alcaraz đầy kịch tính. Sau 16 năm miệt mài đeo đuổi, cuối cùng anh cũng “bắt kịp” tấm HCV Olympic.
Đó cũng là giọt nước mắt để anh giải tỏa lực. Chỉ chưa đầy một tháng trước, anh nhận thất bại toàn diện trước chính Alcaraz trong trận chung kết Wimbledon. Đó là lý do giới chuyên môn xếp tay vợt người Serbia ở cửa dưới trong cuộc đối đầu tại Philippe-Chartier.
Alcaraz vẫn gây cho Djokovic rất nhiều khó khăn nhờ sức trẻ, tốc độ nhưng lần này, mọi chuyện đã khác. Tay vợt sinh năm 1987 có những tình huống đánh bóng dẻo dai, cứu nhiều break-point, tỏa sáng trong những thời điểm quyết định để giành chiến thắng ở 2 loạt tie-break đầy căng thẳng và lấy luôn tấm HCV.
Nhiều người có thể đã nghĩ rằng Alcaraz sẽ chiến thắng trong một thế trận dai dẳng, giằng co. Nhưng rồi cũng ở Philippe-Chartier cách đây 2 tháng, ở vòng 4 Pháp mở rộng, Djokovic dính chấn thương rách sụn chêm và phải phẫu thuật. Và với một cái bó gối, anh trở lại đầy mạnh mẽ và đánh bại một Alcaraz tài năng, đầy sung sức.
“Bỏ cuộc” có lẽ chưa bao giờ có trong từ điển của Djokovic. Anh từng là đứa trẻ phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” vì hoàn cảnh loạn lạc do chiến tranh. Việc lớn lên giữa những làn đạn cũng giúp anh hun đúc bản lĩnh, mạnh mẽ hơn và trở thành một Djokovic bền bỉ, lì lợm của hiện tại.
Với hàng loạt kỷ lục đã thiết lập, bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ, Djokovic đã bước vào hàng ngũ của những tay vợt xuất sắc nhất lịch sử. Và với một nghị lực phi thường, anh sẽ truyền được nguồn cảm hứng bất tận cho các VĐV trẻ tuổi khác. Đó là giá trị lớn lao để tay vợt Serbia xứng đáng được ca ngợi là GOAT (Greatest Of All Time: vĩ đại nhất lịch sử) của làng banh nỉ.
Bình luận (0)