DN Việt bị ép

15/01/2016 05:57 GMT+7

Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hiệp hội chủ hàng” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức hôm qua, đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, sự thiếu hiểu biết thụ động của nhiều doanh nghiệp (DN) trong thương mại quốc tế, vận tải biển đang khiến họ phải “cống nộp” quá nhiều khoản phí bất hợp lý.

Tại hội thảo “Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hiệp hội chủ hàng” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức hôm qua, đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, sự thiếu hiểu biết thụ động của nhiều doanh nghiệp (DN) trong thương mại quốc tế, vận tải biển đang khiến họ phải “cống nộp” quá nhiều khoản phí bất hợp lý.

Cụ thể, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, các DN nhỏ và vừa của VN thiếu chú ý về vấn đề cước vận tải, giao nhận và các khâu liên quan đến xuất nhập khẩu nên vừa qua khi các loại thuế, phí tăng mạnh, bất hợp lý thì nhiều DN ngỡ ngàng, tìm đến hiệp hội để kêu lên các cơ quan nhà nước. “Ở ngành dệt may, số DN chưa am hiểu sâu về các vấn đề này chiếm tỷ trọng rất lớn”, bà Dung nói và cho rằng hiện nay sự liên kết giữa các DN rất yếu, chưa biết đến sự hiện diện của hiệp hội chủ hàng và ngược lại hiệp hội chủ hàng cũng chưa làm được nhiều để thu hút hội viên. “Thực tế này dẫn đến nếu có những dấu hiệu bên ngoài câu kết nâng giá vận chuyển, DN cũng không biết. Xuất khẩu càng nhiều có khi mức độ cống nộp cho giới chủ hàng càng lớn”, bà Dung cảnh báo.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng VN, cũng cho rằng việc kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN VN đang gắn rất chặt với vận tải, nhất là vận tải đường biển nhưng liên tục trong các năm 2013 - 2014, cước phí tăng cao do các hãng vận tải bắt tay nhau, tăng cả phụ phí. “Các hãng tàu vận tải quốc tế chiếm 99% đội tàu VN và bắt tay nhau nâng phí, chèn ép các DN VN”, ông Minh nói và cho biết DN Việt còn gánh nhiều khoản phụ phí phải trả cho chủ tàu. “Mỗi DN phải chịu từ 15 - 20 kiểu phí (trong đó có phí xăng dầu, giá xăng tăng thì tăng nhưng xăng giảm thì không giảm, 90% hãng tàu áp dụng phí này), ngoài ra còn có thuế VAT. Nhưng đáng lo hơn là hiện nay xu hướng chung cho thấy giá cước vận tải vẫn đang tăng nhanh”, ông Minh cho biết.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt tới 162 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, cho thấy quy mô xuất nhập khẩu của VN ngày càng lớn, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN thương mại và hiệp hội chủ hàng. Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo, can thiệp quản lý chặt, không để các hãng vận tải nước ngoài bắt tay nhau nâng giá, phụ phí, ép các DN VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.