Đồ chơi Trung thu truyền thống: Cần sợi dây nối quá khứ

20/09/2010 14:29 GMT+7

Từ góc độ di sản, đồ chơi Trung thu truyền thống được coi là là sợi dây nối với quá khứ, dệt thêm liên kết thâm tình giữa các thế hệ. Và để làm được điều này, người ta không chỉ tuyên truyền hay lên án đồ chơi ngoại nhập mà đủ...

Cốc cốc cốc - tớ là sư tử đây

Bé Thiên Anh (3 tuổi) ngồi bệt thoải mái trên sàn nhà sạch bong của VietArt Centre (Hà Nội). Mắt bé không chớp khi nhìn các anh chị lớn hơn của CLB “Cốc cốc cốc” tô màu những chiếc đầu sư tử giấy bồi bé xíu chừng bằng nửa cái cốc uống nước (ảnh). Các em ăn vận thoải mái, quần ngố, áo phông - nhìn đã biết là để vui chơi, cử động cho dễ. Những tuýp màu vẽ vơi dần theo sự hoàn thiện của chiếc đầu sư tử.

Giám đốc VietArt Centre, người ủng hộ miễn phí “sàn thi đấu” cho CLB Nghệ thuật cộng đồng “Cốc cốc cốc” quay sang nói với một giáo viên dạy vẽ, giọng không giấu nổi sự mãn nguyện: “Đẹp! Lát nữa có lẽ kê thêm dãy bàn sát tường ngay đây để các cháu bày sản phẩm. Màu của bọn trẻ đúng là đẹp hơn người lớn vẽ rất nhiều”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế - một thành viên tổ chức chương trình hoạt động này - cho biết: “Sau khi tô màu đầu sư tử, các cháu còn được học làm đèn ông sao. Đây chính là một cách để các cháu hình dung rõ hơn về đồ chơi truyền thống, tạo dựng tình cảm với đồ chơi truyền thống”.

Trên thực tế, những sinh hoạt gắn kết với truyền thống như học làm đồ chơi, tham quan triển lãm nghệ thuật cổ chính là nét đặc sắc của “Cốc cốc cốc”. Bằng “va chạm” với di sản, văn hóa như vậy, các thầy giáo của Cốc cốc cốc đã tạo dựng được tình yêu, sợi dây với đồ chơi truyền thống - thứ kết nối giờ không dễ gặp trong xã hội hiện đại. Điều đó lại càng quý và hiếm hơn khi “đại bản doanh” của đồ chơi - phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Cân ở Hà Nội - đã bị hàng ngoại xâm chiếm.

Từ đồ chơi, trò chơi đến sân chơi

Tuy còn chưa nhiều, song mô hình “Cốc cốc cốc” không phải là một thể nghiệm quá sức đặc biệt và cô độc. Trước đó, những lớp học làm đồ chơi truyền thống và bánh trung thu đã được Bảo tàng Dân tộc học VN tổ chức thường niên, thu hút rất đông người tham dự, gồm cả học sinh, phụ huynh và các tình nguyện viên - là học sinh và sinh viên. “Tổ chức những sân chơi để bảo tồn đồ chơi, trò chơi truyền thống ở quy mô vừa và nhỏ không quá phức tạp, song như mọi hoạt động cộng đồng khác, nó rất cần sân chơi. Mà sân chơi thì hiện đang bị thu hẹp, nhường chỗ cho các hoạt động khác...” - ông Lưu Anh Hùng - Phó GĐ Bảo tàng Dân tộc học - nói.

Trong khi sân chơi bị thu hẹp thì bản thân những trò chơi truyền thống lại rất cần “có đất” để có thể trở về truyền thống với đúng nghĩa của nó. “Mỗi trò chơi dân gian đều phải có “đất” để là chính mình. Chẳng hạn, thả diều phải có bãi lớn lộng gió. Có những trò chơi của người dân tộc miền núi phía bắc phải được chơi buổi sáng, khi cỏ vẫn còn sương...” - GS Tô Ngọc Thanh cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Hường - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em - cho rằng, các làng có nghề sản xuất đồ chơi truyền thống nên tập hợp nhau dưới dạng CLB để vừa sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm làng nghề, vừa đóng góp ý kiến khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Một trong những hướng hoạt động của loại hình CLB làng nghề này chính là những sân chơi để trẻ có thể đến thả mình vào thế giới của những món đồ chơi cha ông để lại...

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.