Các nhà nghiên cứu viết rằng số năm tuổi thọ mất thêm vào năm 2020 cao hơn gấp 5 lần so với số năm tuổi thọ mất đi do dịch cúm mùa vào năm 2015.
Nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 3.11 trên tập san y khoa của Anh The BMJ.
Tiến sĩ Nazrul Islam, từ Đại học Oxford (Anh) và các đồng nghiệp đã ước tính những thay đổi về tuổi thọ và số năm tuổi thọ mất thêm vào năm 2020 do đại dịch COVID-19 ở 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình trở lên hoặc từ các vùng có dữ liệu tử vong đáng tin cậy và đầy đủ.
Covid-19 đã cướp đi 28 triệu năm tuổi thọ |
Shutterstock |
Kết quả cho thấy vào năm 2020, tuổi thọ trung bình đã giảm ở cả nam và nữ tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nước bị giảm tuổi thọ nhiều nhất do đại dịch là Nga, Mỹ, Bulgaria, Lithuania, Chile và Tây Ban Nha.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ ít bị ảnh hưởng đến tuổi thọ trong năm 2020 nhất là Đài Loan, New Zealand, Na Uy, Iceland, Đan Mạch và Hàn Quốc. Tại 31 quốc gia còn lại, hơn 222 triệu năm tuổi thọ đã mất vào năm 2020, cao hơn 28,1 triệu năm so với dự kiến, gồm 17,3 triệu năm ở nam giới và 10,8 triệu năm ở phụ nữ, các nhà nghiên cứu báo cáo, theo WebMD.
Nước có số năm tuổi thọ mất thêm tính trên 100.000 dân cao nhất là Bulgaria gồm 7.260 năm ở nam và 3.730 năm ở nữ; Nga với 7.020 năm ở nam và 4.760 năm ở nữ; Lithuania với 5.430 năm ở nam và 2.640 năm ở nữ; Mỹ với 4.350 năm ở nam và 2.430 năm ở nữ; Ba Lan với 3.830 năm ở nam và 1.830 năm ở nữ; và Hungary với 2.770 năm ở nam và 1.920 năm ở nữ.
Số năm tuổi thọ mất thêm tương đối thấp ở những người dưới 65 tuổi, ngoại trừ những nước cao như Nga, Bulgaria, Lithuania và Mỹ, với số năm mất thêm là hơn 2.000 năm trên 100.000.
Các nhà nghiên cứu cho biết số năm tuổi thọ mất thêm vào năm 2020 cao hơn gấp 5 lần so với số năm tuổi thọ mất đi do dịch cúm mùa vào năm 2015 |
Shutterstock |
Khả năng ứng phó của các hệ thống y tế
Các nhà nghiên cứu cho biết số năm tuổi thọ mất đi thấp hơn dự kiến ở Đài Loan, New Zealand, Na Uy, Iceland, Đan Mạch và Hàn Quốc "nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách ngăn chặn và loại bỏ virus thành công, bao gồm các can thiệp chính sách y tế công cộng được đặt mục tiêu và dựa trên dân số", theo WebMD.
Các nhà nghiên cứu viết: “Sự chuẩn bị toàn diện cho đại dịch nhằm vào các hệ thống y tế linh hoạt hơn có thể là chìa khóa để giải quyết tác động của các đại dịch trong tương lai”.
Các tác giả cho biết do thiếu dữ liệu về tỷ lệ tử vong, nghiên cứu này không tính đến các nhiều các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Họ cũng không thể tính đến những yếu tố “cực kỳ quan trọng” như tình trạng kinh tế xã hội và chủng tộc hoặc dân tộc.
Covid-19 đã cướp đi hơn 5 triệu mạng người trên toàn thế giới |
Họ cũng không thể xác định liệu những ca tử vong thêm này là do virus corona trực tiếp gây ra hay có liên quan đến các nguyên nhân tử vong khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết, với tình hình đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, cần có thêm các nghiên cứu trong tương lai để ước tính gánh nặng lâu dài của đại dịch, bao gồm cả các tác động trực tiếp và gián tiếp.
Bình luận (0)