Đỏ đen sân cỏ - Kỳ 3: Phận đời “đá phủi”

09/04/2014 00:34 GMT+7

Việc học gián đoạn, gãy chân bó bột lên giảng đường, bị đứt dây chằng tốn hàng chục triệu để phẫu thuật là hậu quả của những sinh viên theo nghiệp “đá chầu”, “đá phủi”.

Việc học gián đoạn, gãy chân bó bột lên giảng đường, bị đứt dây chằng tốn hàng chục triệu để phẫu thuật là hậu quả của những sinh viên theo nghiệp “đá chầu”, “đá phủi”.

“Phù phép” để kiếm sống

 
Anh Th. kể lại thời khắc kinh hoàng lúc bị chấn thương - Ảnh: Đức Tiến

Trong một quán cà phê trên đường Trần Quang Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM) Trần Sĩ Tiến (19 tuổi, quê Đắk Lắk) cho biết, trước đây anh từng tập ở đội trẻ của một đội bóng phong trào có tiếng ở TP.HCM nhưng vì tiền lương không đủ sống nên phải nghỉ. Sau đó anh chuyển sang đá thuê cho các doanh nghiệp.

“Đi đá độ sân nhỏ (sân 5 người) thì mỗi trận được 200 - 300.000 đồng còn sân lớn (11 người) thì đá chính 500.000 đồng, dự bị 300.000 đồng không cần biết thắng thua. Còn đi đá giải cho công ty thì tùy theo tính cách của mỗi ông bầu. Nếu gặp ông “mát” tay thì thưởng nóng theo từng bàn thắng hoặc thưởng khi đội tiến sâu vào giải. Và khi đi thi đấu ở các tỉnh thì tiền thưởng bao giờ cũng cao hơn ở thành phố”. Tiến cho biết thêm.

Tương tự, H. (23 tuổi, quê Đắk Lắk) - cầu thủ của một đội chuyên đi đá thuê thì chia sẻ, nếu “đá phủi” cho các doanh nghiệp thì có hai loại, loại thứ nhất là tính tiền theo trận không cần biết thắng thua. Loại thứ hai là đá mướn với số tiền gấp đôi nhưng đảm bảo thắng, thua không lấy tiền. Và mức tiền sẽ tăng dần tính từ vòng bảng cho đến chung kết. Ngoài ra, khi tham gia các giải nội bộ của các tập đoàn, công ty lớn thì các cầu thủ được mướn về sẽ được “phù phép” các loại giấy tờ để đi đá giải. H. cho biết: “Nhiều công ty khi mướn tụi em về thì vội vã ký hợp đồng lao động thời vụ để đối phó với BTC rồi đưa tờ giấy ghi toàn bộ thông tin về công ty để mình học thuộc, dặn mình khai là bảo vệ hay nhân viên gì đó trong công ty. Đá kiểu này thì trận nào cũng nơm nớp sợ gặp người quen hoặc giới chuyên môn phát hiện nên vừa đá vừa ngóng sợ bị loại thì mất cả chì lẫn chài”.

Chấn thương như cơm bữa

Sức hút từ tiền bạc và đam mê trái bóng khiến nhiều sinh viên có năng khiếu bóng đá tìm đến nghề “đá phủi” để kiếm sống. Nhưng ít ai ngờ rằng chính việc này lại đưa họ đến những ngã rẽ gập ghềnh, chông chênh. Khi gặp chấn thương thì cầu thủ tự bỏ tiền, hoặc cầu cứu gia đình để chữa trị.

Dù kiếm được số tiền kha khá nhưng nhiều sinh viên đi “đá chầu”, “đá phủi” phải đối mặt với những pha tắc bóng mang tính triệt hạ của đối phương. Nặng thì gãy chân, nhẹ thì trầy xước, thâm tím. Vũ (23 tuổi, quê Bình Thuận) cho biết, trong một lần đối thủ cố ý chơi xấu, dù né tránh nhưng anh vẫn bị đứt dây chằng chéo trái, chân sưng vù phải đi phẫu thuật tốn hơn hai chục triệu đồng. Vũ còn cho biết thêm, sau khi mổ chân anh phải dùng nẹp bó chặt và di chuyển hết sức khó khăn trên đôi nạng gỗ. Suốt 1 tháng ngoài việc cố gắng tập luyện các động tác co duỗi anh còn phải áp dụng nhiều biện pháp vật lý trị liệu và nhanh lắm phải mất 7 - 8 tháng thì mới có thể đi lại bình thường.

Thời gian hoạt động sôi nổi nhất của dân “đá phủi” thường rơi vào tháng 4 đến tháng 6 và tháng cận tết. Đó là lúc hè vì các đội cáp độ đá nhiều và gần tết nhiều doanh nghiệp tổ chức giải để mừng năm mới . Anh Th. (23 tuổi, Bình Thuận) - cầu thủ chuyên đi đá thuê cho các doanh nghiệp ở thành phố và các tỉnh lân cận cho biết: “Làm cái nghề này nhiều lúc phải chạy sô như ca sĩ, vừa kết thúc trận bên này là lấy tiền chạy qua bên khác đá tiếp. Có khi mỗi ngày đá từ sáng tới chiều nên chẳng còn thời gian để đi học”.

Khi được hỏi về bảo hiểm và những hỗ trợ trong thi đấu của giới “đá phủi”, anh Th. cay đắng: “Nếu đi đá cho mấy đội chuyên nghiệp thì mới làm hợp đồng, bảo hiểm này nọ. Còn tụi mình đi đá thuê cho người ta một vài trận thì làm gì có bảo hiểm. Xui thì tự chịu, ông bầu nào thương thì cho vài trăm ngàn hỗ trợ thuốc men, không thì thôi chứ biết đòi hỏi ai”.

Chứng kiến nhiều sinh viên đi đá phủi bị gãy tay, gãy chân, anh Quang (28 tuổi, quê Ninh Thuận) - làm trọng tài trong các giải phong trào cho biết: “Ôi! mấy đứa sinh viên đi “đá phủi” mà bị gãy chân thì gặp nhiều rồi. Tụi nó thường là dân mới vào nghề nên hăng máu lắm. Bình thường thì không sao chứ gặp mấy thằng chuyên nghiệp thì nó kê gãy chân là chuyện thường. Mới trước tết có thằng sinh viên bách khoa bị người ta chơi gãy chân phải đi cấp cứu tốn hết mấy chục triệu”.

Đức Tiến

>> Đỏ đen sân cỏ - Kỳ 2: Đá độ liên tỉnh
>> Đỏ đen sân cỏ: Giang hồ 'nhập' vào sân bóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.