Việc phát triển rầm rộ sân cỏ nhân tạo kèm theo những biến tướng đã dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự xã hội. Thế nhưng, việc quản lý loại hình này hiện vẫn đang bị buông lỏng, khiến hoạt động kinh doanh trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
>> Đỏ đen sân cỏ - Kỳ 3: Phận đời “đá phủi”
>> Đỏ đen sân cỏ - Kỳ 2: Đá độ liên tỉnh
>> Đỏ đen sân cỏ: Giang hồ 'nhập' vào sân bóng
|
Tràn lan sân cỏ nhân tạo
Hầu hết ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều có sân cỏ nhân tạo. Như quận Thủ Đức, chỉ trong khuôn viên làng đại học đã có hơn 10 cụm sân, mỗi cụm từ 4 - 8 sân mini. Một số cụm lớn với hàng chục sân như sân Bờ bao Tân Thắng (Q.Tân Phú), sân Kỳ Hòa (Q.10), sân Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)... Đa phần các cụm sân này đều mọc lên gần các trường đại học, khu công nghiệp vì nhu cầu chơi bóng nơi đây rất lớn. Trong khi đó, việc đầu tư từ vật liệu, thuê mướn đất đến thủ tục cấp giấy phép kinh doanh tương đối dễ dàng. Chính điều này đã giúp số lượng sân cỏ nhân tạo không ngừng tăng lên theo từng ngày.
Anh Tr. (33 tuổi, quê Đắk Lắk), một chủ sân ở Q.Tân Bình, cho biết để đầu tư một sân cỏ nhân tạo có diện tích 1.000 m2 tốn khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, tiền mua cỏ nhân tạo là đắt nhất (khoảng hơn 200 triệu)... Mỗi ngày, chủ sân bóng cho thuê từ sáng tới tối. Tùy theo giờ giấc mà sân có giá khác nhau. Giá từ 6 - 8 giờ sáng sẽ đắt hơn so với 9 giờ trở đi. Giá buổi chiều tối sẽ đắt gấp đôi so với giá buổi sáng. Ngoài ra, lợi nhuận của sân bóng còn dựa vào việc tổ chức giải đấu cho các doanh nghiệp. Hiện tại anh Tr. đang làm chủ cụm thể thao gồm 8 sân bóng mini. “Thuê đất của tư nhân thì mới đăng ký giấy phép kinh doanh, thuế má này nọ khó khăn. Còn mình thuê đất của quân đội nên mấy chuyện giấy tờ cũng dễ. Trong tờ giấy cam kết hai bên chỉ ghi là hợp tác làm ăn trong 5 hay 10 năm gì đó thôi”.
Nhắm mắt làm ngơ
Nhiều sân bóng mini hiện nay không có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để can thiệp khi có ẩu đả xảy ra. “Chi phí điện nước, tiền thuê đất, nhân viên này nọ mỗi tháng cũng tốn mấy chục triệu. Nếu thuê lực lượng bảo vệ nữa thì sao có lời. Mấy ổng mà đánh nhau thì mình chỉ biết gọi công an thôi”, một chủ sân cho biết.
Nhiều sân còn không có những quy định, nội quy trong sân bóng. Đa phần các sân thuộc đất tư nhân đều không có bảng nội quy nào. Còn các sân thuộc đất nhà nước cho thuê thì trong nội quy ghi rõ cấm cờ bạc, đá độ dưới mọi hình thức, cấm mang vũ khí chất nổ vào sân, cấm sử dụng chất kích thích, thi đấu trung thực không gây gổ đánh nhau... Các nội quy này xem thì “hoành tráng” nhưng thực tế cũng chỉ là “treo cho có” vì nhiều người vẫn đá độ ăn thua, còn chủ sân khi phát hiện được thường cũng “nhắm mắt làm ngơ” bởi hầu hết đều được trả thêm tiền sân, đồng nghĩa tăng thêm lợi nhuận.
Ông Tăng Bá Lễ, Trưởng phòng Thể dục thể thao cộng đồng, Sở VH-TT-DL TP.HCM, thừa nhận hiện nay việc quản lý sân cỏ nhân tạo đang bị thả lỏng, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy. “Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có vài trăm sân cỏ nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe, đam mê thể thao và giao lưu giữa mọi tầng lớp nhân dân. Thế nhưng các tiêu chuẩn như kỹ thuật sân bãi, ánh sáng, an ninh... chưa được cơ quan chuyên môn đứng ra cấp phép để thanh tra, xử phạt”, ông Lễ cho biết. Cũng theo ông Lễ, đa phần các chủ sân cỏ nhân tạo hiện nay đều thuê đất của nhà nước hoặc tư nhân rồi đi đăng ký giấy phép kinh doanh để mở sân bóng. Hơn hai năm nay, Sở đã gửi công văn xin UBND TP.HCM cho Sở được phép cấp giấy chứng nhận chuyên môn cho các loại hình thể thao, để từ đó có cơ sở thanh tra, xử lý các vi phạm trong loại hình thể dục thể thao cộng đồng, thế nhưng đến nay Sở vẫn đang chờ. “Tôi cũng nghe phong thanh có việc tổ chức đá độ giữa các đội, rồi dẫn đến đánh nhau trên sân cỏ nhân tạo. Nhưng tiền cá độ và mức độ đánh nhau như thế nào thì không nắm được”, ông Lễ nói.
Công Nguyên - Đức Tiến
Bình luận (0)