'Đò dọc' của nhà văn Bình Nguyên Lộc có phiên bản mới

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
08/04/2024 16:16 GMT+7

Sinh thời, là một nhà văn nam nhưng Bình Nguyên Lộc có cái nhìn đầy thấu hiểu, thương cảm về thân phận người phụ nữ.

Phiên bản mới của tiểu thuyết Đò dọc (nhà văn Bình Nguyên Lộc) vừa được NXB Trẻ vừa ấn hành. Tác phẩm là câu chuyện dài về gia đình ông bà Nam Thành với 4 cô con gái từ Bạc Liêu lên Sài Gòn rồi từ Sài Gòn trôi dạt về miệt Thủ Đức theo những biến động trong xã hội...

'Đò dọc' của nhà văn Bình Nguyên Lộc có phiên bản mới- Ảnh 1.

Đò dọc vừa có "áo mới"

NXB Trẻ

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914 - 1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình có 10 đời sống tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ông là nhà văn, nhà văn hóa Nam bộ chuyên nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp cầm bút, ông có khoảng 50 tiểu thuyết, 1.000 truyện ngắn và 4 cuốn sách nghiên cứu. Một số tác phẩm của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.

Dưới ngòi bút mô tả rất thực và đời của nhà văn Bình Nguyên Lộc, không khí miền quê trong Đò dọc bằng phẳng, buồn tẻ, được lột tả sinh động với những cơn mưa xóa mờ tất cả, với tiếng côn trùng kêu rỉ rả, với những công việc ruộng vườn quanh quẩn... Sự hiu hắt ấy được nhà văn nhấn mạnh:

“Bốn cô tủi thân quá, nghe như mình bị cả thế gian bỏ quên. Thế gian cứ vui chơi, thương yêu không biết rằng nơi một xó quê kia có những người còn trẻ, còn ham vui đang vào tuổi thương yêu bỗng vì gia thế phải lùi về ở ẩn như một công chức mãn kỳ phục vụ, và không biết bao giờ ra khỏi chốn nầy”. 

Còn bà Nam Thành cũng sớm nhận ra: “Ở đây không phải chỗ của chúng nó. Chỗ của chúng phải vui tươi trẻ trung, sinh động hơn cái không khí ủ rũ nầy...”. 

'Đò dọc' của nhà văn Bình Nguyên Lộc có phiên bản mới- Ảnh 2.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914 - 1987)

Trần Cao Lĩnh

Trong Đò dọc, thân người phụ nữ chẳng khác món hàng để bán. Mỗi lần có khách muốn mua, món hàng được bày ra dưới đủ khía cạnh. Người ta xem phía trước, người ta ngắm phía sau, người ta xét tướng đi, người ta thử nghe giọng nói... Rồi người ta chê khen trong bụng, hay nghĩ thầm: “Hàng chỉ xoàng thôi, nhưng nếu được giá hời thì cũng mua”.

Viết về một xã hội buổi giao thời, khi cái hiện đại vừa chớm lan tỏa từ thành thị đến thôn quê, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã có cách nhìn rất nhân văn khi nói lên những thay đổi trong quan niệm của người đương thời về hôn nhân và người phụ nữ. Điều này càng được thể hiện rõ khi nhân vật trung tâm là một gia đình có tới 4 cô con gái và chỉ có con gái.

Cũng như nhiều tác phẩm khác của nhà văn Sơn Nam và Vương Hồng Sển, Đò dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc không chỉ là câu chuyện tình người, tình đời đầy ắp yêu thương nơi mảnh đất phương Nam hào sảng, mà còn là kho tàng lời ăn tiếng nói của người bình dân Nam bộ. Đây là một trong những tiểu thuyết được đánh giá cao nhất của nhà văn Bình Nguyên Lộc, từng giành được Giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1959 - 1960.

Đò dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc do Nhà xuất bản Nắng Mới ấn hành lần thứ nhất năm 1973. Sau này, một số NXB khác có in lại và từng được dựng thành phim - do TFS sản xuất. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.