>> Sức sống mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn
>> Phát hiện mặt trống đồng Đông Sơn tại Hà Tĩnh
>> Lần đầu phát hiện mặt trống đồng Đông Sơn ở Hà Tĩnh
>> Tặng 32 cổ vật văn hóa Đông Sơn
>> Tặng trống đồng Đông Sơn cho Bảo tàng Hội An
Đồ gốm phát hiện tại Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Thắng
Triển lãm chuyên đề Văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội từ ngày 18.11 tới không chỉ trưng bày những vật quý của bảo tàng này. Bảo tàng đã mượn thêm nhiều hiện vật hỗ trợ từ các bảo tàng tỉnh. Thạp đồng Hợp Minh được mượn về từ bảo tàng tỉnh Yên Bái là một trường hợp như vậy. “Thạp đồng Hợp Minh là một trong những thạp lớn nhất, trang trí hoàn mỹ nhất của văn hóa Đông Sơn. Yên Bái đã lấy hình mặt thạp đồng làm biểu tượng của truyền hình tỉnh. Nó cũng là biểu trưng tự hào của tỉnh này”, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ nói.
Cũng với tinh thần tuyển chọn những đồ quý tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn, tại triển lãm lần này, người xem sẽ được tiếp cận nhiều bảo vật quốc gia. Thạp đồng Hợp Minh, thạp đồng Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê cùng với các đồ tùy táng, minh khí được phát hiện trong đó, nó cho thấy văn hóa ứng xử của cha ông với người đã khuất, và cả những quan niệm về vũ trụ của họ. “Trưng bày có rất nhiều bảo vật quốc gia”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội cho biết.
“Trong văn hóa Đông Sơn, ma chay là một tục lệ quan trọng”, ông Cường nói. “Người Đông Sơn cho rằng chết là sự bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác, nhưng cũng tương tự thế giới đang sống. Bởi vậy họ chia của và chôn theo người chết những đồ vật thực dụng hằng ngày vẫn sử dụng như công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức… Tuy nhiên, đồ vật chôn theo thường bị đập bẹp, bẻ cong, làm gãy hoặc xếp đặt cho khác với vật dụng trong cuộc sống thực tại”, ông Cường cho biết.
Tại triển lãm, có 8 nhóm hiện vật được trưng bày: Bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn, trong đó có trống Đông Sơn mượn của tỉnh Thanh Hóa; Bộ sưu tập công cụ lao động, trong đó có bộ sưu tập quả cân để cân đồng từ nhiều bảo tàng; Bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt có dáng hiện đại, nhưng khi úp xuống lại mang dáng dấp của trống đồng; Bộ sưu tập vũ khí, gồm cả vũ khí tấn công lẫn phòng ngự. Đây là một bằng chứng chứng minh trong văn hóa Đông Sơn, đã phát sinh chiến tranh và xung đột xã hội;
Bộ sưu tập nhạc khí như chuông gõ, chuông lắc. Chuông nhạc vốn là loại nhạc cụ phổ biến thời này; Sưu tập trang sức nghệ thuật gồm cả chất liệu đồng lẫn thủy tinh, trong đó có bảo vật quốc gia Tượng người cõng nhau thổi khèn; Bộ sưu tập đồ minh khí cho thấy táng thức của người Đông Sơn. Bên cạnh đó, người Đông Sơn còn chế những đồ tùy táng chuyên biệt. Nó giống nhưng nhỏ hơn nhiều so với đồ thực dụng. Việc chôn theo thứ đồ này (đồ minh khí) mang ý nghĩa tượng trưng và cũng tiết kiệm.
Cuối cùng, trưng bày có sưu tập hiện vật giao lưu văn hóa, nó thể hiện sự mở cửa giao lưu rộng rãi với các nền văn hóa đồng đại ở Việt Nam cũng như trong khu vực.
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, trưng bày chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu về giai đoạn Đông Sơn điển hình, song giá trị thẩm mỹ lẫn tinh thần của chúng thật đáng kể.
Thanh Niên Online ghi lại một số hình ảnh tại triển lãm:
Thạp Hợp Minh phát hiện tại Yên Bái - Ảnh: Ngọc Thắng
Cuốc phát hiện tại Lào Cai, Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Thắng
Kiếm phát hiện tại Nghệ An - Ảnh: Ngọc Thắng
Mũi lao trong mộ thuyền Việt Khê, Hải Phòng - Ảnh: Ngọc Thắng
Đồ trang sức phát hiện tại Nghệ An, Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Thắng
Đồ gốm phát hiện tại Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhạc cụ trong mộ thuyền Việt Khê, Hải Phòng - Ảnh: Ngọc Thắng
Tấm che ngực phát hiện tại Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Thắng
Hình trâu giao hợp trên trống đồng - Ảnh: Ngọc Thắng
Tượng nam nữ giao hợp trên thạp Đào Thịnh - Ảnh: Ngọc Thắng
Lưỡi cày hình trái tim phát hiện tại Cổ Loa, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Dũa phát hiện trong mộ thuyền Việt Khê, Hải Phòng - Ảnh: Ngọc Thắng
Các loại rìu - Ảnh: Ngọc Thắng
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)