Cuộc ra mắt phim Việt Nam tại Mỹ lần này có gì đặc biệt vậy chị?
Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ tổ chức một chương trình tôn vinh những cống hiến của đạo diễn Đặng Nhật Minh và giới thiệu sáu phim dài cùng một số phim ngắn Việt Nam tiêu biểu trong thời gian gần đây - với tên gọi “The New voices from Vietnam” (Tạm dịch: Những tiếng nói nối từ Việt Nam). Tôi được mời tham dự cùng phim Chơi vơi và Cánh đồng bất tận.
Trong “Cánh đồng bất tận”, chị nói thích cảnh cuối khi Sương bỏ đi, còn tôi cho rằng cảnh đạt nhất của Yến là: Sau biến cố tình cảm với Út Võ, cô Sương hớn hở đóng vai nữ chủ nhân trong bữa cơm, nhưng rồi Út Võ quăng tiền xuống mâm: “Tôi trả tiền hồi hôm”. Sương khi ấy sượng, cố thản nhiên “ba mấy cưng sộp quá trời”, ánh mắt đau đớn. Tôi nghĩ với cảnh này, những người nói Hải Yến chỉ là diễn viên bản năng và may mắn có thể phải nghĩ lại?
Cám ơn chị, câu hỏi mà cũng là một lời khen tặng. Cánh đồng bất tận đã lấy rất nhiều mồ hôi, sức lực cũng như nước mắt của tôi. Chưa nói tâm lý nhân vật nặng nề thì việc quay phim trên sông nước là cả một “trời” khó khăn mà cả đoàn phim phải đối mặt.
Hầu như ngày nào chúng tôi cũng lặn ngụp trong nước phèn mà trời thì nắng như đổ lửa. Mặt trời vừa lặn, hàng ngàn con muỗi và côn trùng vây quanh. Bối cảnh ở trong đảo, xa phố phường nên sinh hoạt của đoàn phim gặp rất nhiều trở ngại.
Nói nghe buồn cười nhưng nhiều khi tôi ngủ mơ thấy đồ ăn. Ai xuống thăm đoàn phim cũng mang thuốc chống muỗi và các loại thực phẩm, đồ khô để mọi người dùng trong vài ngày. Nhưng có khó khăn mới thấy tình cảm của anh chị em trong đoàn làm phim thật nồng ấm.
Cảnh đầu phim- Sương bị đánh làm tôi sợ nhất. Khi tập thử chạy trên cầu, tôi ngã trẹo cả hai chân nên rất khó di chuyển. Đến đoạn bị chặt tóc, có cảm giác lưỡi dao sát da đầu mình. Một nỗi sợ kinh khủng. Cũng may diễn viên Lê Hóa hoàn thành cảnh này xuất sắc, nhanh gọn. Rời khỏi bối cảnh, người tôi tím bầm, đau ê ẩm nhưng vượt lên trên tất cả là cảm xúc cơ cực của một kiếp người. Tôi đã khóc không kìm nổi.
Đến cảnh ông Võ quăng tiền trả trong bữa cơm gia đình. Bao nhiêu cố gắng để thay đổi và vun xới một chốn an toàn của cô Sương đã sụp đổ. Chỉ còn lại sự nhục nhã chua xót, thất vọng ê chề nhưng phải kìm nén. Một phần vì trước mặt bọn trẻ, phần kia vì cô cũng từng trải qua biết bao thăng trầm, nên thêm một lần nuốt nước mắt để tiếp tục sống- Biết đâu tương lai sẽ có phép màu, và ông Võ sẽ mở lòng để tiếp nhận cô. Nhưng tất cả chỉ là hy vọng mà thôi.
|
Tôi thích nhất cảnh Sương ra đi. Một cánh đồng mênh mang, một người đàn bà tất tả bỏ chạy khỏi nơi mà cô ấy từng nghĩ là chốn an toàn của mình. Mọi cảm xúc vỡ òa không thể kìm nén. Tôi nghĩ cô ấy ra đi không phải vì giận hờn ông Võ mà vì hiểu rằng mình không làm gì được để thay đổi con người này, thay đổi cuộc sống của bọn trẻ. Cảm giác bất lực, đau xót và có thể không bao giờ gặp lại những người mà mình trót yêu thương, nặng lòng. Trước mặt là con đường mờ mịt, đơn côi bất tận.
Tôi nghĩ đã là con người thì ai cũng mong có người bên cạnh để yêu thương, chăm sóc. Tôi rất thích câu nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác”.
Việc đạo diễn cho chị giữ nguyên giọng nói trong một dàn nhân vật toàn người miền Nam khiến tôi liên tưởng cử chỉ của Trần Anh Hùng đối với Yên Khê- chưa bao giờ để cô ấy, phải lồng tiếng. Nói chung Đỗ Hải Yến luôn được các đạo diễn ưu ái, từ Phillip Noyce trở đi ? (thêm đất diễn và thay đổi hình ảnh của Phượng trong “Người Mỹ trầm lặng”).
Khi tôi gặp Phillip Noyce lần đầu, về diễn xuất tôi chỉ là tờ giấy trắng. Phim Người Mỹ trầm lặng yêu cầu phải lưu loát tiếng Anh mà tôi thì không nói được chữ nào.
Còn khi đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình nói chuyện về Cánh đồng bất tận, tôi từ chối, nhưng sau đó đạo diễn đã thuyết phục được tôi về ý tưởng cũng như cách xây dựng nhân vật Sương. Trong phim, Sương có thể xuất phát từ bất cứ vùng miền nào và tôi nghĩ mỗi đạo diễn sẽ dựng nên một bộ phim theo cách tưởng tượng của riêng mình.
Tôi luôn tin vào chữ “duyên”. Trong công việc tôi không bao giờ tham lam vì tôi nghĩ nếu hợp với mình thì việc sẽ tìm đến, và khi việc đã đến, tôi sẵn sàng dồn hết tâm lực. Tôi luôn biết ơn những đạo diễn mà tôi đã làm việc cùng, vì họ luôn tin tưởng tôi và giúp tôi có lòng tin với việc mình đang làm.
10 năm trôi qua kể từ “Người Mỹ trầm lặng”- khi chị chỉ là trang giấy trắng. Phillip Noyce nay nói trong dịp sang dự Liên hoan Phim quốc tế: “Bạn còn chờ gì mà không ký hợp đồng làm phim với Hải Yến”. Theo chị, vì sao ông ấy nói vậy?
Đến với điện ảnh một cách ngẫu nhiên và tình cờ nhưng để đi được tới ngày hôm nay, tôi cũng trải qua rất nhiều khổ luyện.
Ngay khi chọn tôi cho Người Mỹ trầm lặng, công ty sản xuất phim đưa tôi sang Australia để bắt đầu chặng đường học tập rất dài trước khi bộ phim bấm máy. Bảy ngày trong tuần, tôi học những kỹ năng cơ bản, lập biểu đồ để diễn tả trạng thái, cách giải phóng cơ thể trước máy quay. Rồi học thuộc lòng khoảng 400 trang kịch bản để hiểu mình sẽ làm gì.
Với tôi lúc đó, khó nhất là lớp phân tích tâm lý hành động của bản năng con người. Tôi không hiểu tiếng Anh, phải làm việc qua phiên dịch. Nhiều lúc mệt mỏi và nản lòng nhưng rồi tôi đã cố gắng.
Phim quay xong, tôi đi học tiếng Anh và sau một năm thì trở lại Sydney để học tiếp trong khi kết hợp làm phần hậu kỳ cho phim. Trước khi Người Mỹ trầm lặng ra mắt, tôi lại đi London học tất cả kỹ năng của một diễn viên khi đi quảng bá cho bộ phim của mình. Tôi may mắn vì có một khởi đầu chuyên nghiệp để có đủ niềm tin cho những bước về sau.
Chàng quấn khăn rằn chụp trong các bức ảnh ra mắt phim “Cánh đồng bất tận” là bạn trai của chị? Nghe nói anh ấy là chủ một doanh nghiệp chế biến gỗ ở Mỹ và chuỗi nhà hàng ở Nhật Bản- thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ thế giới?
Tôi mong những chuyện riêng trong cuộc sống chỉ là của cá nhân mình. Chỉ có thể chia sẻ rằng hiện tại của tôi là chốn an toàn với nắng ấm bình yên, có một người bên cạnh để chia sẻ và nghe được tiếng trái tim mình tràn ngập yêu thương mỗi ngày.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)