Dở khóc, dở cười khi chi tiêu 'thắt lưng buộc bụng'

Phúc Kha
Phúc Kha
28/02/2023 17:43 GMT+7

Để tiết kiệm chi tiêu hàng tháng khi giá cả hàng hóa tăng, bạn trẻ đã áp dụng phương pháp "thắt lưng buộc bụng", nhưng sau một thời gian cắt giảm chi tiêu, họ phải "mở túi" trở lại.

Với mức lương gần 15 triệu đồng/tháng, Nguyễn Bảo Tín (24 tuổi), ngụ tại chung cư Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết trước đây chàng trai chi tiêu khá thoải mái, mua sắm, ăn uống không hề gò bó. Mỗi tháng, Bảo Tín gửi về cho gia đình 3 triệu đồng, số còn lại trang trải cho tiền phòng trọ và nhu cầu sinh hoạt cá nhân.

Bắt tay vào thực hiện kế hoạch chi tiêu, chàng trai kỳ vọng là mỗi tháng để dành được 50% thu nhập. Bảo Tín bắt đầu từ chối những cuộc hẹn buổi nhậu nhẹt với đồng nghiệp bạn bè, thói quen mua sắm. Mỗi khi đi chợ, chàng trai sẽ so sánh giá cả của nhiều mặt hàng để mua được thứ rẻ nhất. Những điều này hoàn toàn trái ngược so với lối sống trước đây của Bảo Tín.

"Vào thời điểm giá cả tăng cao, mình lên kế hoạch tiết kiệm với hy vọng có tiền dư dả hơn cho bản thân. Khi "thắt lưng buộc bụng", mình luôn lo lắng sẽ "vung tay" chi tiêu quá đà. Việc từ bỏ những thú vui cũng khiến tinh thần mình đi xuống rõ rệt, không còn năng động như trước", Bảo Tín bày tỏ.

Dở khóc, dở cười khi chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”  - Ảnh 1.

Một số bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi khi không thể mua món đồ yêu thích vì áp dụng "thắt lưng buộc bụng"

Phúc Kha

Từ 3 tháng trước, khi hàng hóa tăng giá, Trần Thị Mỹ Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lo sợ tình hình này sẽ đe dọa đến kế hoạch tiết kiệm của bản thân. Vì thế, cô gái tìm cách siết chặt chi tiêu. Sau nhiều tháng "cân đo đong đếm" chi tiêu sinh hoạt hàng ngày khiến Mỹ Linh thực sự mệt mỏi.

Mỹ Linh nói: "Trước khi thêm một vật dụng vào giỏ hàng, mình phải dừng lại vài phút, đặt câu hỏi với bản thân: tại sao lại mua nó, có thực sự cần thiết hay không. Nếu không có một câu trả lời thuyết phục, mình phải đặt món đồ ấy trở lại kệ thay vì đem đi thanh toán. Việc này khiến mình khổ sở, không dám tự thưởng cho bản thân những món đồ yêu thích. Thật khó để có thể kiểm soát thói quen tiêu tiền của mình".

Từ đầu tháng 12.2022, Lê Đức Huy (23 tuổi), đang làm nhân viên văn phòng ở Q.3, TP.HCM, trọ tại 19 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, bắt đầu áp dụng kế hoạch tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu hàng tháng. Suốt mấy tháng qua, chàng trai trẻ luôn lo lắng mỗi khi xài tiền, các mối quan hệ xã hội thì đi xuống.

Đức Huy chia sẻ: "Mình luôn cảm thấy cuộc sống mệt mỏi hơn, hiệu quả tiết kiệm lại tỷ lệ nghịch với công sức. Mình cắt luôn các cuộc tụ tập, gặp mặt bên ngoài với bạn bè sau giờ làm. Bạn bè rủ mình vài lần không được nên dần dần tách mình ra khỏi những cuộc vui".

Dở khóc, dở cười khi chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”  - Ảnh 2.

Bạn trẻ phải tách mình ra khỏi những cuộc vui khi áp dụng việc chi tiêu dè sẻn

Thượng Hải

Khi hàng hóa tăng giá, tiền phòng trọ cũng tăng, Nguyễn Thiên Trang, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM lo sợ tình hình này sẽ đe dọa đến kế hoạch tiết kiệm của bản thân. Vì thế, cô gái tìm cách siết chặt chi tiêu hơn nữa.

Thiên Trang nói: "Để tiết kiệm chi phi ăn uống, mình cũng thử mua đồ về tập nấu. Mỗi ngày mình sẽ nấu ăn buổi trưa và buổi tối. Hàng ngày, sau giờ học, mình ghé chợ để mua đồ ăn. Về nhà, mình bắt tay vào sơ chế, nấu nướng tốn khoảng 1 tiếng. Ăn xong phải tốn thêm thời gian dọn dẹp".

Sau khoảng 2 tháng thực hiện, Trang nhận thấy nấu ở nhà cũng chẳng giúp tiết kiệm hơn khi ăn ở ngoài. Trước đây, cô gái tốn khoảng 3 triệu đồng/tháng cho việc ăn ngoài thì giờ tiền đi chợ mua đồ ăn về nấu đã tốn khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước, tiền gas khi nấu ăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.