Lịch thi đấu V-League 2015 hai lần bị xé lẻ khiến quãng nghỉ kéo dài tổng cộng gần 4 tháng đã làm nhiều CLB dở khóc dở cười.
Cầu thủ mất hưng phấn khi V-League 2015 gián đoạn quá lâu - Ảnh: Khả Hòa
|
Không thi đấu vẫn phải trả lương cầu thủ
HLV Trần Bình Sự (CLB Đồng Nai) chỉ đồng ý một nửa với ý kiến của lãnh đạo VFF. Ông Sự nói: “VFF, VPF bắt buộc phải tuân thủ theo kế hoạch thi đấu của FIFA, AFC và BTC SEA Games 28 chứ cũng không mong muốn xảy ra tình trạng V-League bị nghỉ quá lâu như vậy. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng rất lớn về cả chuyên môn lẫn tài chính cho đội bóng. CLB sẽ bị thiệt thòi, tốn kém về kinh phí vì dù nghỉ tới gần 4 tháng, tập chay nhưng vẫn buộc phải trả phí, trả lương cho cầu thủ. Để thích ứng với việc nghỉ dài, HLV lại phải thay đổi các bài tập để thích ứng vì hai đợt nghỉ tương đương với hai chu kỳ huấn luyện”.
Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội đánh giá, sự gián đoạn của V-League gây ra sự khó khăn chung cho tất cả các đội bóng. Ông than phiền: “Vẫn biết khó mình khó người nhưng với riêng Hà Nội T&T, cứ sau mỗi đợt nghỉ là phải chuẩn bị lại đến 70%. Giải đấu cứ nghỉ “nhát gừng” như thế là buộc phải làm lại cả thể lực lẫn kỹ chiến thuật. Chưa kể, lương vẫn phải trả đủ. Nói chung khá mệt mỏi”.
Trưng cầu theo kiểu lấy lệ
Một số CLB kể lại, khi VFF, VPF gửi lịch thi đấu để trưng cầu ý kiến, các CLB cũng than vãn và đề nghị VFF cần phải xem xét lại. “Nhưng chúng tôi có cảm giác họ trưng cầu theo kiểu lấy lệ, vì có bất kỳ sự thay đổi nào đâu”, lãnh đạo một CLB bất bình. Tổng giám đốc Công ty CP thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa phản ứng rất dữ dội với lịch thi đấu bị ngắt quãng mà theo ông “không giống ai, thể hiện sự thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu tính toán kỹ càng của VFF, VPF”.
Ông Hòa đoan chắc rằng, không một nước nào trong khu vực chịu tình cảnh như Đà Nẵng và các đội bóng khác đang phải chịu. Ông nói gay gắt: “Tôi nói thật, vì sao VFF, VPF không chủ động suy tính để thay đổi lịch thi đấu V-League từ mùa 2014. Singapore có phải mới công bố SEA Games tổ chức vào tháng 6.2015 đâu mà trước mùa 2015, VFF, VPF mới cho ra đời lịch thi đấu kiểu “sống chết mặc bay” như vậy. Đáng nhẽ, nên đôn
V-League 2014 sớm lên để nghỉ sớm và V-League 2015 cũng như vậy. Đằng này thi đấu được vài bữa lại nghỉ, rồi lại đấu, rồi lại nghỉ và mùa giải bị băm nát, kéo dài đến tận cuối tháng 9 mới kết thúc. Công tác tổ chức của các “ông” VFF, VPF rất có vấn đề, làm phức tạp mọi thứ mà các đội bóng không theo cũng chết, dù đã có góp ý chứ không phải không”.
Ông Hòa thống kê những hệ lụy, ví dụ như kinh phí hoạt động bỗng nhiên phải tăng gấp rưỡi so với mùa trước, đội phải làm lại 80 - 100% công tác chuẩn bị, nhà tài trợ khó chịu, cầu thủ mệt mỏi, BHL cũng mệt mỏi không kém, tư tưởng, tinh thần thi đấu bị ảnh hưởng.
Ông Hòa vẫn chưa dịu giọng: “Khi các thành viên trong đội bày tỏ tâm trạng, tôi đã phải trấn an là cứ tập trung vào chuyên môn đi, kêu khổ thì các đội khác cũng khổ cơ mà. Nhưng ấy là nói với đội bóng, chứ báo chí hỏi, tôi muốn trình bày thẳng thắn mọi chuyện. Lịch thi đấu như thế rõ ràng là phản khoa học.
Nghỉ vô tội vạ! Thật sự là rất ức chế. Giờ có muốn thay ngoại binh đá dở cũng không được mà vẫn phải cắn răng nuôi, cắn răng trả lương trong thời gian nghỉ. Thế chẳng phải VFF, VPF đã “sống chết mặc bay” hay sao?”.
Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, nói: “Kế hoạch thi đấu cả năm 2015 đã được VFF đem ra hội thảo bàn bạc kỹ với các CLB và các đội bóng đều chấp nhận lịch tập trung của hai đội - U.23 chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á và sau đó là SEA Games 28, còn đội tuyển chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. VFF hoàn toàn không muốn V-League bị gián đoạn nhưng năm 2015 có tính chất hơi đặc biệt so với các năm trước khi SEA Games lại được tổ chức vào mùa hè. Đây là lý do bất khả kháng. Tôi nghĩ rằng, vì đã được thông báo nên các đội sẽ có kế hoạch hợp lý ở quãng nghỉ để cầu thủ vẫn đảm bảo được phong độ”.
|
Bình luận (0)