Dở khóc dở cười ngữ liệu SGK

16/01/2014 03:05 GMT+7

Ngoài ưu điểm phù hợp với đối tượng người học, việc sửa đổi, biên tập ngữ liệu của những người làm sách giáo khoa cũng không tránh khỏi những bất cập, hạn chế dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười.

 Dở khóc dở cười ngữ liệu SGK
Ngữ liệu trong sách giáo khoa tiếng Việt hiện nay còn nhiều khiếm khuyết như thiếu tính nhất quán, không hệ thống...  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngữ liệu dạy học trong sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt tiểu học hiện nay đa phần là những văn bản nghệ thuật (thơ, văn xuôi) có chất lượng của VN và thế giới. Ngoài các tiêu chí sư phạm, khoa học, do đặc điểm tư duy, nhận thức của học sinh từng khối lớp, đặc trưng của các phân môn, ngữ liệu này đã được đội ngũ biên soạn điều chỉnh, gia giảm (dung lượng, câu chữ) cho phù hợp.  

Thiếu tính nhất quán, hệ thống

Đọc kỹ bộ sách, dễ thấy một số ngữ liệu không có sự thống nhất. Cũng là những dòng thơ, đoạn văn trong cùng một tác phẩm, tác giả nhưng không hiểu sao vẫn có tình trạng “dị bản” xảy ra. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động dạy học, tiếp nhận văn chương của cả thầy và trò. Chẳng hạn: “Quê hương là con diều biếc/Chiều chiều con thả trên đồng/Quê hương là con đò nhỏ/Êm đềm khua nước ven sông (Tiếng Việt 1, Tập 1, tr.163). Nhưng  trong sách Tiếng Việt 3, Tập 1, tr.79 lại là “Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng”.

Cùng là một sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cùng một trích dẫn nhưng 2 đoạn văn ở sách Tiếng Việt 3 và 5 lại có nhan đề và một số câu chữ khác nhau. Sách Tiếng Việt 3, tập 1, tr.96 có nhan đề là Chiều trên sông Hương còn  sách Tiếng Việt 5, tập 1, tr.11 lại là Hoàng hôn trên sông Hương. Điều này khiến người đọc nhầm tưởng rằng chúng được lấy từ 2 văn bản của 2 tác giả khác nhau.

Về độ dài, đoạn trích thứ nhất rất ngắn thì được trích nguồn là “Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Đoạn trích thứ hai dài hơn, đầy đủ hơn nhưng lại ghi “Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Vậy đoạn nào là nguyên tác, đoạn nào có sự “gia công” của người làm sách? Cách biên soạn như thế sẽ “sửa lưng” người dạy, gây hoang mang cho học sinh và ấn tượng về dòng sông Hương thơ mộng vì thế cũng chẳng còn nguyên vẹn, đậm sâu trong tâm khảm cả thầy lẫn trò.

Thiếu sự hợp tác, tôn trọng tác giả

Như trên đã nói, việc tuyển chọn, chỉnh biên SGK là thẩm quyền của đội ngũ viết sách. Nhưng cắt xén, sửa đổi, ngoài những yêu cầu về tính khoa học, giáo dục, sư phạm của bộ sách, cần phải giữ lại hồn cốt của tác phẩm, ý đồ của nhà văn. Tuy nhiên, không ít bài thơ, bài văn được đưa vào SGK hiện nay đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết: Mạch thơ, mạch văn bị cắt cơ học dẫn đến đứt đoạn, khó hiểu; đôi lúc kết cấu tác phẩm cũng bị đảo lộn làm sai lệch ý đồ của người viết; giá trị nội dung, nghệ thuật của nguyên bản theo đó cũng giảm sút rất nhiều.

Sự kết nối giữa đội ngũ biên soạn với tác giả để có một văn bản hoàn thiện xem ra cũng khá lỏng lẻo. Đa số nhà văn, nhà thơ chỉ biết tác phẩm của mình đã được vinh dự tuyển vào SGK sau… giáo viên và học sinh. Chẳng những không được hỏi ý kiến để đảm bảo tính pháp lý về mặt bản quyền, họ cũng bị tước mất quyền năng đối với đứa con tinh thần ấy. Vậy là nó đẹp hay xấu, hoàn thiện hay dị dạng là do đội ngũ chuyên gia soạn sách quyết định.

Ngữ liệu trong SGK là phương diện quan trọng để cụ thể hóa, hiện thực hóa nội dung chương trình. Đó cũng là yếu tố cho thấy cái tầm và cái tâm của đội ngũ biên soạn sách nói riêng, ngành giáo dục nói chung. Hy vọng với đề án đổi mới giáo dục được đánh giá là “tốt nhất từ trước đến nay”, chúng ta sẽ có một bộ sách mới, ở đó những hạn chế tương tự trong ngữ liệu của SGK Tiếng Việt tiểu học hiện hành sẽ được khắc chế, góp phần tích cực để cải thiện, nâng cao chất lượng dạy học tiếng mẹ đẻ và dạy học văn ở trường phổ thông.

TS Bùi Thanh Truyền
(Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

>> Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa
>> Sách giáo khoa phải giàu tính ứng dụng
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp 'vắng mặt' trong sách giáo khoa - Kỳ 4: Lạc hậu trong quan điểm viết sách
>> Học kiểu mới - Kỳ 3: Đa dạng cách tiếp cận sách giáo khoa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.