'Dở khóc dở cười' với sinh viên sư phạm lần đầu đứng lớp

18/11/2023 11:11 GMT+7

'Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò', không ít sinh viên sư phạm rơi vào tình huống éo le khi lần đầu đứng lớp.

Sinh viên sư phạm "cháy" giáo án, học sinh giận nhau…

Dù đã được tập dợt trên giảng đường nhưng sinh viên sư phạm Thanh Thư (ngành giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM) cho biết bản thân vô cùng hồi hộp khi đứng lớp.

"Tôi rất run nên nói vấp và cứ nhìn chăm chăm vào giáo án, mong tiết qua nhanh vì quá sợ. Sau đó, giáo viên hướng dẫn nhận xét tôi nên nói chậm lại và nhắc nhở phải biết nhìn giáo án sao cho khéo", nữ sinh viên hóm hỉnh kể.

Bên cạnh đó, Thư cũng thường bị "cháy" giáo án, dạy 4 tiết thì hết 2 tiết trễ giờ, 2 tiết còn lại sớm hơn khoảng 5-10 phút hay cũng "dở khóc dở cười" khi học sinh giận nhau trong tiết dạy thử.

'Dở khóc dở cười' với sinh viên sư phạm lần đầu đứng lớp - Ảnh 1.

Bức tranh học trò vẽ tặng cho Thanh Thư

NVCC

"Có hôm tôi thử dạy tiết toán, dặn dò các em những hoạt động có trong tiết nhưng sau đó có hai em gây nhau, giành nhau viết bảng. Bạn nam giận quá nên quay hẳn ghế ngồi nhìn ra cửa. Lúc đó, tôi bất ngờ và không biết giải quyết ra sao nhưng nghĩ lại thì thấy rất dễ thương vì cách hành xử của trẻ em vô tư lắm", Thư chia sẻ.

Kiến tập ngay dịp 8.3 ở Trường tiểu học Trần Danh Lâm (Q.8, TP.HCM), nữ sinh viên cũng lần đầu nhận được quà từ học trò.

"Lớp tôi chịu trách nhiệm là lớp 4/1, có sĩ số đông nhất khối 4. Tôi nghĩ mình mới xuống trường gần 1 tháng nên các em chưa có nhiều cảm tình. Tuy nhiên, trong ngày đó, các em tặng tôi hoa, có một em còn tự vẽ tranh tặng và tới giờ tôi vẫn còn giữ. Lần đầu được nhận quà từ học sinh tôi rất xúc động vì nghĩ mình đã được các em công nhận là một giáo viên thật sự", Thư bồi hồi.

'Dở khóc dở cười' với sinh viên sư phạm lần đầu đứng lớp - Ảnh 2.

Những món quà chất chứa tình cảm ngây thơ của học trò dành cho thầy cô giáo

NVCC

Được phân công dạy lớp 2, Hà My (sinh viên ngành giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn) "bất đắc dĩ" rơi vào tình huống bị học trò giận dỗi.

"Có lần giáo viên hướng dẫn cho tôi lên giảng thử tiết tiếng Việt. Học sinh rất hăng hái giơ tay phát biểu nhưng vì cả lớp đều giơ tay nên tôi không thể mời hết các em được, có một em đã rất tức giận và đứng dậy đi ra khỏi chỗ. Tôi ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng sau đó tôi có xuống hỏi và nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu. Bé đã chịu lắng nghe khiến tôi rất vui", My chia sẻ.

Còn Bảo Ngọc (sinh viên ngành giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn) cho biết kỷ niệm khó quên nhất là dạy chính tả nhưng lại quên cách viết đúng chính tả.

'Dở khóc dở cười' với sinh viên sư phạm lần đầu đứng lớp - Ảnh 3.

Bảo Ngọc cùng các em học sinh và giáo viên hướng dẫn

NVCC

"Tôi dạy học sinh tiết tập đọc và cần liệt kê từ khó. Khi một em đọc từ, tôi bỗng nhiên quên mất chữ đó viết đúng chính tả như thế nào lên bảng. Tôi nhìn cô giáo hướng dẫn và cô phải chỉ cho tôi. Thật sự đó là tình huống oái oăm nhất. Từ đó, tôi thường nhận lên dạy tiết tiếng Việt và nhờ đó có thêm nhiều kinh nghiệm", Bảo Ngọc nhớ lại.

"Ở lại với nghề cũng nhờ những tình cảm của học sinh"

Nữ sinh viên cho hay, khi xuống trường tiểu học, các giáo sinh khác được các bé vây quanh như một idol (thần tượng), ngày bình thường cũng nhận được quà như bánh kẹo, đồ chơi, hình dán từ học sinh lớp mình và lớp khác nên "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

"Ngày đầu tiên nhận lớp, dù cô trò chỉ mới chào hỏi ngắn ngủi nhưng khi ra về, tôi nhận được bức thư của một cậu học sinh. Nội dung thư chỉ là thổ lộ tình cảm trong sáng, đơn giản nhưng tôi thấy rất dễ thương, xóa tan những áp lực hình dung khi kiến tập. Giáo viên hướng dẫn có nói với chúng tôi rằng ở lại với nghề cũng nhờ những tình cảm của học sinh làm động lực. Sau khi trải qua kỳ kiến tập, tôi tin điều ấy là đúng", Bảo Ngọc nói.

'Dở khóc dở cười' với sinh viên sư phạm lần đầu đứng lớp - Ảnh 4.

Học trò cùng những tấm thiệp, tranh vẽ tặng cho cô giáo Bảo Ngọc

NVCC

Nể phục các thầy cô đi trước

Được giáo viên hướng dẫn dìu dắt, Bảo Ngọc bày tỏ sự biết ơn và kính trọng. "Khi đứng lớp, dù tôi nói chưa chính xác nhưng giáo viên hướng dẫn vẫn tôn trọng tôi, không ngắt lời mà sẽ chỉnh sửa khi hoàn thành bài dạy. Khác với vẻ ngoài nghiêm nghị, cô lúc nào cũng hết mực hỗ trợ, quan tâm giáo sinh. Có hôm tôi chuẩn bị bài dạy môn toán chưa được chuẩn chỉnh nhưng cô không hề nóng giận mà còn nhiệt tình chỉnh sửa kế hoạch, đưa lời khuyên", Ngọc chia sẻ.

Hà My cũng cho hay, khó khăn lớn nhất là việc quản lý lớp học, đôi khi các em làm việc riêng, nói chuyện, xảy ra tranh cãi trong những hoạt động nhóm khiến lớp ồn. Sau khi đi dạy, bản thân mới hiểu và rất nể phục việc nắm bắt tâm lý trẻ, linh hoạt giải quyết tình huống phát sinh của các giáo viên tiểu học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.