Số nhà 248, đường Trần Phú, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, thoạt nhìn nhiều người sẽ nghĩ đây là địa chỉ một nhà người dân bình thường. Nhưng phía sau lại là Hoa thương hội quán - di tích cấp tỉnh được công nhận từ năm 2010.
Hoa thương hội quán chỉ còn là đống đổ nát
Nhìn từ trên cao sẽ càng thấy rõ cảnh Hoa thương hội quán như một đống đổ nát không hơn không kém. Các cấu kiện gỗ của di tích phần thì mục nát, phần thì đổ sập, ngả nghiêng trong những cây dại mọc chằng chịt. Dù nằm giữa lòng thành phố Thanh Hóa nhưng di tích này đang bị lãng quên.
Tất cả các hạng mục gần như đã còn nguyên vẹn. Toàn bộ di tích bị hư hỏng, nhiều cấu kiện gỗ mục ruỗng, đổ sập. Các bức tường được xây dựng gạch được gia cố bằng cách dùng thép, lưới thép giằng chống để không đổ sập vào các nhà dân xung quanh.
Và mặt tiền của Hoa thương hội quán phía đường Trần Phú, một số hộ dân sử dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Theo các tài liệu lịch sử, Hoa thương hội quán xưa nằm ở ấp Phú Mỹ, thuộc giáp Đông Phố của trấn lỵ Thanh Hoa. Đây là công trình do cộng đồng người Hoa xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19 làm nơi sinh hoạt văn hoá, làm ăn. Công trình được làm bằng gỗ lim, gạch, ngói, đá xanh, gồm các hạng mục: tam quan, tiền sảnh, tháp nghinh phong, trung đường và hậu cung.
Cuối năm 2022, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Hoa thương hội quán bằng nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác. Tuy nhiên, cho đến nay di tích này vẫn đang là phế tích, mục ruỗng từng ngày, chưa thấy cơ quan chức năng nào có động thái tu bổ, phục hồi.
Bình luận (0)