Dỗ nhiều hơn dạy

26/11/2013 03:00 GMT+7

Lớp học chỉ chừng 10 học sinh thì có 4-5 em bị tự kỷ. Các cô giáo trẻ ở Trường chuyên biệt Hy Vọng (Quy Nhơn, Bình Định) thường phải loay hoay một lúc lâu mới tạm ổn định được trật tự trong lớp.

“Dụ” trẻ mở lòng

 
Cô Nguyễn Thị Dang hướng dẫn cho học sinh học nói - Ảnh: Tâm Ngọc

Nhiều cô cùng nhận định: dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ đã khó, dạy trẻ tự kỷ còn khó hơn rất nhiều. Số trường dạy trẻ tự kỷ hiện nay vốn đã ít, việc thu nhận trẻ tự kỷ càng hạn chế do việc hướng dẫn, dạy cho các em đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo bài bản và có sự kiên nhẫn cũng thuộc hàng… đặc biệt. Cô Nguyễn Thị Dang, một giáo viên của trường, đúc kết: “Nghề này phải dỗ nhiều hơn dạy”.

“Dỗ” là bởi trẻ tự kỷ thường không nói được, cũng ít hợp tác với giáo viên mà thường lầm lì, khép mình, nhiều khi có những phản ứng thái quá như la hét, đập phá đồ đạc, tự làm mình đau hoặc thậm chí là tấn công người khác. Do vậy, với những trẻ này, giáo viên thường bắt đầu bài dạy của mình bằng cách lân la hỏi chuyện, nói ngọt, chơi cùng trẻ, làm mọi cách để “dụ” được trẻ mở lòng dù nhiều hay ít.

Cô Trần Thị Ánh Phượng chia sẻ: “Nhiều lúc, cô cũng lăn lê bò toài với trò, cùng chơi ô tô, máy bay. Cả buổi học xong có khi mình mẩy cô giáo lấm lem, cũng là chuyện thường”.

Khởi đầu là làm quen, chơi cùng trẻ để trẻ chấp nhận sự có mặt của cô giáo là thành công bước đầu. Sau đó, khi trẻ mở lòng nhiều hơn, chịu cố gắng tập trung ít nhiều thì giáo viên mới bắt đầu tập cho trẻ nói, từng âm một, rồi hướng dẫn trẻ những sinh hoạt ngày thường như đi vệ sinh, ăn, uống. Cô Dang cho biết, phải dạy trẻ lại từ đầu, từ con số 0 nên rất khổ. Trong lớp có em dù đã 7 tuổi nhưng vẫn thường xuyên ị trong quần nếu cô giáo không nhận biết được dấu hiệu trước đó.

Bài học không có trong giáo án

Điều khó nhất với những cô giáo này vẫn là dạy nói cho trẻ tự kỷ. Đây là rào cản lớn nhất của các trẻ với môi trường, mọi người xung quanh. “Các em gặp rất nhiều khó khăn trong phát âm. Trẻ có há miệng để nói nhưng không ra tiếng. Giáo viên thậm chí phải lấy tay học sinh để ngay lên cổ mình để các em thấy khi nói, âm thoát ra làm rung rung cổ họng mà làm theo. Vất vả vô cùng!”, bà Huỳnh Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng, cho biết.

Với trẻ tự kỷ, sự cố gắng, kiên trì của nhà trường chỉ là một phần trong hành trình hòa nhập với môi trường sống bình thường ngoài xã hội. Hai phần còn lại thuộc về tình thương yêu, sự hiểu biết của gia đình và môi trường cho trẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (ở P.Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn), phụ huynh của một trẻ tự kỷ, đã làm nên kỳ tích khi giúp con mình từ một trẻ bị tự kỷ nặng giờ có thể tự chăm sóc, vệ sinh bản thân và thậm chí đã đến trường như bao trẻ khác.

Nhiều giáo viên dạy trẻ tự kỷ cũng cùng chia sẻ như chị Nhàn, không bỏ cuộc dù khó dù khổ. Hơn cả trẻ bình thường, trẻ cần những vòng tay dịu dàng, trìu mến, cần những sẻ chia từ những người bạn lớn như cha mẹ, ông bà, thầy cô… và nhất là sự kiên nhẫn của người lớn. Nói như một cô giáo, dạy trẻ tự kỷ là cuộc chiến không có điểm dừng. Giáo viên phải cảm nhận bằng trái tim, với những bài học không có trong giáo án.

Tâm Ngọc

>> Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân
>> Nhận dạy trẻ mồ côi miễn phí
>> Dạy trẻ cư xử tử tế
>> Dạy trẻ kiềm chế sự tức giận  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.