Hay dở là tùy cách nhìn và cảm nhận của mỗi người nhưng cũng có những tiêu chuẩn nhất định để đánh giá một xuất phẩm. Nếu so với những chuẩn mực này thì các tác phẩm của Ed Wood trong giai đoạn “đỉnh cao” 1950-1960 dở tới mức không còn gì để nói. Nổi tiếng nhất trong số này phải kể đến Glen or Glenda năm 1953 và Plan 9 from Outer Space năm 1959. Kịch bản ngớ ngẩn đến vô nghĩa, diễn xuất gượng ép, kỹ thuật tồi tệ... đó là những nhận xét mà hai phim này phải gánh chịu cho đến tận ngày nay. Thậm chí trong Plan 9 from Outer Space, khán giả có thể thấy cả bóng của các dụng cụ làm phim như micro, dây cáp…
Tuy nhiên, qua thời gian, sự ngớ ngẩn trong các tác phẩm của Ed Wood bỗng trở nên có sức hút kỳ lạ. Một số khán giả mê mẩn lùng sục, sưu tầm các bộ phim này và cười sảng khoái với chúng. Thật ra “dở quá hóa hay” là trường hợp vẫn thường xảy ra và được chia thành hai dạng. Thứ nhất là một phim thật sự dở nhưng một bộ phận khán giả lại thích thú với “sự dở” của nó chẳng hạn như các phim của Ed Wood. Thứ hai là các nhà làm phim “cố tình làm dở” để tạo ra khác biệt. Các phim “dở quá hóa hay” dần dần được xếp vào một thể loại đặc biệt được gọi là cult movie (tạm dịch: phim giáo phái).
Đây là một thuật ngữ rất rộng chỉ những bộ phim không được đón nhận rộng rãi nhưng lại có một lượng người hâm mộ nhỏ và cực kỳ trung thành. Những khán giả này có thể xem đi xem lại một phim nào đó, bất chấp nó lỗ nặng hay bị giới phê bình “đánh tơi tả”, không phải vì họ cho rằng phim đó hay mà do bị thu hút bởi một điểm nào đó. Các cult movie thường bị liệt vào dạng gây tranh cãi, kỳ quặc hoặc khó hiểu. Nhiều phim đầy bạo lực và tình dục. Cũng có nhiều cult movie qua thời gian được đánh giá lại và được công nhận là một tác phẩm xuất sắc, ví dụ như tác phẩm khoa học viễn tưởng/hành động Blade Runner năm 1982 của đạo diễn Ridley Scott. Từ một phim hầu như không ai xem ngoài lượng nhỏ fan trung thành, nay Blade Runner đã được chọn để bảo tồn trong Thư viện Quốc hội Mỹ.
John Waters của Mỹ và Takashi Miike của Nhật được xem là những bậc thầy của cult movie với những tác phẩm cực kỳ gây tranh cãi và thường là lỗ. Cũng có đạo diễn kết hợp hài hòa tính đặc thù của phim cult và tính đại chúng để tạo ra các xuất phẩm làm vừa lòng tất cả. Đó là David Lynch với những phim kinh điển như Blue Velvet, Lost Highway, Mulholland Drive… Các phim của Lynch thường khiến khán giả tự hỏi: “Mình vừa xem gì vậy?” khi chúng không có kết cấu rõ ràng, cảnh quay mờ ảo, bí hiểm như trong mơ và nhạc phim đầy ám ảnh. Ông từng nhận 3 đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất các năm 1980, 1987 và 2002 và thắng giải ở LHP Cannes 2001. Tương tự là các tác phẩm của Quentin Tarantino như Reservoir Dogs, Pulp Fiction, Kill Bill, Inglourious Basterds với lối kể chuyện phi tuyến tính, thủ pháp “thẩm mỹ hóa bạo lực” cùng ảnh hưởng của các phim xã hội đen và võ thuật Hồng Kông. Gần đây, Christopher Nolan cũng nổi lên với những phim vừa ăn khách vừa “phi đại chúng” như Memento, Insomnia hay Inception.
Ranh giới giữa cult movie và phim “dở thật sự” rất mong manh, không phải cứ cố tình làm khác người, làm cho quái đản là sẽ được công nhận. Người viết bỗng liên tưởng đến những “thảm họa” gần đây trong làng nghệ thuật của ta. Đôi lúc tự hỏi có phải những “nghệ sĩ” đó cố tình tạo ra những “đứa con tinh thần” quặt quẹo để tự giễu nhại? để thể hiện tình yêu nghệ thuật hồn nhiên của mình? Để rồi phải ngậm ngùi nhận ra rằng khi chưa đủ lực, khi ảo tưởng về bản thân mà lại cố chứng tỏ cá tính thì chỉ có nước “dở quá hóa thảm họa” mà thôi.
Trọng Kha
Bình luận (0)