Đọ súng ác liệt giữa các bộ tộc ở Papua New Guinea, 64 người chết

Văn Khoa
Văn Khoa
19/02/2024 10:19 GMT+7

Cảnh sát Papua New Guinea thông báo 64 thi thể đẫm máu đã được tìm thấy ở vùng cao nguyên nước này, khi các cuộc đấu súng giữa các bộ tộc thù địch đang diễn ra.

Trợ lý Cảnh sát trưởng Papua New Guinea Samson Kua hôm nay 19.2 cho hay các thi thể đã được tìm thấy sau vụ việc được cho là một cuộc phục kích vào đầu giờ 18.2, theo AFP.

Cũng theo ông Kua, các tay súng đã sử dụng nhiều loại vũ khí quân dụng, trong đó có các súng trường SLR, AK-47, M4, AR15 và M16, cũng như súng ngắn và súng tự chế.

Vụ việc xảy ra gần thị trấn Wabag, cách thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea khoảng 600 km về phía tây bắc.

Đọ súng ác liệt giữa các bộ tộc ở Papua New Guinea, 64 người chết- Ảnh 1.

Bức ảnh do Cảnh sát Papua New Guinea công bố vào ngày 19.2 cho thấy lực lượng an ninh đang tuần tra gần thị trấn Wabag

AFP

Cảnh sát đã nhận được những đoạn video và hình ảnh đồ họa được cho là từ hiện trường, cho thấy những thi thể đầy máu nằm bên vệ đường và chất đống trên xe tải.

Vụ việc được cho là có liên quan đến xung đột giữa những người thuộc các bộ tộc Sikin, Ambulin và Kaekin.

Các bộ tộc vùng cao ở Papua New Guinea đã có xung đột với nhau trong nhiều thế kỷ, nhưng làn sóng vũ khí tự động tràn vào đã khiến các cuộc đụng độ trở nên nguy hiểm hơn và làm leo thang vòng xoáy bạo lực.

Vùng cao nguyên của Papua New Guinea là nơi xảy ra bạo lực bộ lạc dai dẳng, với nhiều vụ giết người hàng loạt trong những năm gần đây.

Chính phủ Papua New Guinea đã cố gắng trấn áp, hòa giải, ân xá và thực hiện một loạt chiến lược khác để kiểm soát bạo lực nhưng không thành công.

Quân đội Papua New Guinea đã triển khai khoảng 100 binh sĩ tới khu vực nói trên, nhưng tác động của họ bị hạn chế và lực lượng an ninh vẫn còn ít và thiếu vũ khí.

Những vụ giết người thường xảy ra ở các cộng đồng hẻo lánh, khi các thành viên trong gia tộc tiến hành cuộc đột kích hoặc phục kích để trả đũa những cuộc tấn công trước đó.

Dân số Papua New Guinea đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1980, gây căng thẳng ngày càng tăng về đất đai và tài nguyên cũng như làm sâu sắc thêm sự cạnh tranh giữa các bộ tộc, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.