Hơi thở của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan tỏa khắp thế giới và không nước nào có thể đứng ngoài nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Có thể chắc chắn rằng tương lai nhân loại sẽ được định hình bởi 2 xu hướng chính: số hóa và đô thị hóa.
Đô thị hóa 2.0 là tiến trình song hành và cũng là hệ quả của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cần tỉnh táo đón đầu về quy hoạch và chính sách cũng như tận dụng những thành quả thời đại số mang lại để nắm bắt cơ hội lẫn giải quyết thách thức nảy sinh từ quá trình đô thị hóa mới.
Cơ hội rộng mở
Từ nửa cuối thế kỷ 19, khi quá trình công nghiệp hóa tăng tốc thì đô thị hóa cũng tăng theo với làn sóng nông dân đổ xô ra thành phố làm việc tại các nhà máy. Chúng ta hiện đang trong giai đoạn thay đổi mang tính bước ngoặt khi quá trình đô thị hóa đang tăng tốc lần nữa. Vào năm 1950, khoảng 30% trong số 2,5 tỉ dân số thế giới sống ở thành thị thì ngày nay con số này là hơn một nửa trong số 7,5 tỉ người. Đến năm 2050, khi dân số thế giới dự kiến đạt 9 tỉ người, ước tính gần 70% sẽ là cư dân đô thị. Các thành thị trở thành thỏi nam châm thu hút doanh nghiệp, lao động và trí thức trẻ vì đem lại nhiều cơ hội việc làm cũng như mối quan hệ xã hội rộng lớn. Có thể nói đô thị hóa là động cơ tăng trưởng của kinh tế.
Đáng chú ý, vào năm 2050, khoảng 600 triệu người sẽ sống ở 25 thành phố lớn nhất thế giới, và trong danh sách này sẽ không có nơi nào nằm ở châu Âu. Hầu hết là ở châu Á, bao gồm Karachi (Pakistan), Kabul (Afghanistan) và tiếp theo là châu Phi, gồm Khartoum (Sudan) và Kinshasa (CHDC Congo). Một số chuyên gia tin rằng vào năm 2100, Lagos (Nigeria) sẽ là thành phố lớn nhất thế giới. Đây sẽ là cơ hội phát triển rất lớn nếu các nhà hoạch định chính sách ở các nước này nhìn ra cách vượt qua tình trạng bất ổn và khó khăn trong tăng trưởng hiện nay để đón lấy cơ hội về nhân lực và chất xám.
Mặt khác, tại Diễn đàn về các thành phố toàn cầu ở Chicago (Mỹ) từ ngày 7 - 9.6, các cựu và đương kim thị trưởng từ Amman (Jordan), Chicago, Prague (CH Czech), Lahore (Pakistan), Rio de Janeiro (Brazil) và Toronto (Canada) đã thảo luận về xu hướng phát triển đô thị tương lai. Họ nhất trí rằng giải pháp cho các vấn đề sẽ không chỉ đến từ chính phủ, mà còn từ các nhà hoạch định chính sách ở cấp địa phương.
|
Biến đổi khí hậu là một trong 3 thách thức lớn mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong thời kỳ đô thị hóa 2.0. Cần hành động nhiều hơn nữa để cải thiện tính bền vững và hiệu quả trong sử dụng năng lượng. Chính quyền các thành thị và khu vực sẽ phải đẩy mạnh nỗ lực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước cũng như tìm kiếm công nghệ xanh.
Thách thức thứ hai là tìm kiếm tầm nhìn quy hoạch sáng tạo để thích ứng với công nghệ và thói quen mới liên quan đến khái niệm nền kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn các ứng dụng cung cấp “tận răng” dịch vụ đi lại, vận tải, giao hàng… và các dịch vụ khác sẽ làm thay đổi nhịp sống của người dân, thị trường việc làm sẽ biến động mạnh, kéo theo nhu cầu cải tiến cách vận hành, tổ chức và quy hoạch đô thị.
Cuối cùng là làn sóng di dân và lo ngại về an ninh trật tự. Di dân trên toàn cầu có thể sẽ tiếp tục gia tăng với người giàu có lẫn nghèo khổ đổ xô về các đô thị lớn. Nếu chính quyền các thành phố không chuẩn bị đủ cơ sở hạ tầng và chính sách hợp lý, họ sẽ bị “ngợp”. Khi đó, thành phố trở thành nguy cơ về an ninh cho khu vực xung quanh và rộng lớn hơn là cho cả thế giới.
Giải quyết những thách thức trên sẽ đòi hỏi phải đối thoại sâu sắc hơn giữa các thành phố trên toàn cầu. Có vẻ như chính phủ các nước chưa tiếp cận vấn đề này với sự khẩn trương cần thiết. Do đó, đối thoại ở cấp thành phố được cho là sẽ hiệu quả hơn so với cấp chính phủ.
Cũng cần lưu ý là không phóng đại khoảng cách giữa các thành phố phát triển nhanh với các đô thị kém phát triển hơn.
Các giải pháp an ninh ở Toronto cũng có thể được áp dụng tốt ở Karachi và dịch vụ kỹ thuật số ở Singapore vẫn có thể triển khai hiệu quả tại Kabul.
(Huỳnh Thiềm chuyển ngữ)
@ Project Syndicate
Bình luận (0)