Đô thị hóa lòng đất

04/11/2012 03:15 GMT+7

Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã phát triển không gian ngầm với những tiện ích như một thành phố trên mặt đất. Ở Hà Nội và TP.HCM cũng đã bắt đầu xuất hiện một số công trình ngầm như trung tâm thương mại, siêu thị, bãi đỗ xe... Đó là một phần của “thành phố dưới lòng thành phố” trong tương lai.

Tại TP.HCM và Hà Nội, thời gian gần đây không gian ngầm (KGN) đã bắt đầu hình thành khi có các dự án hầm vượt cho người đi bộ, hầm đỗ xe, hầm vượt cho xe cơ giới qua các nút giao thông và quy mô lớn nhất là hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Các công trình hầm đường bộ như Kim Liên, hầm chui đại lộ Thăng Long (Hà Nội), hầm chui đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầm vượt sông Sài Gòn (TP.HCM) cũng đã được đưa vào khai thác.

 

Ưu đãi đầu tư

Tại hội thảo "Quy hoạch và quản lý phát triển KGN đô thị" tổ chức ở TP.HCM vào tháng 7 vừa qua, ông Olivier Vion, Giám đốc điều hành Hội Không gian ngầm và hầm quốc tế (ITA) cũng đề xuất: "Cần có sự tham gia của các nhà quy hoạch và các nhà hoạch định chính sách để có những quyết định chính xác trong việc hoạch định chính sách phát triển không gian ngầm". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư xây dựng các công trình ngầm. Bên cạnh đó là việc lập quy hoạch không gian ngầm tại các đô thị ở các thành phố lớn và việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý đô thị, đáp ứng cho nhu cầu mới.

Đi bộ dưới lòng đất

Hệ thống hầm đi bộ qua đường tại Hà Nội đã được xây dựng tại 18 vị trí, tuy nhiên chỉ có 3 vị trí trong nội thành được sử dụng nhiều hơn, 15 vị trí ở đường vành đai 3 chưa có người sử dụng nhiều. Các bãi đỗ xe ngầm được xây dựng gắn liền với các công trình tòa nhà cũng ngày càng nhiều hơn. Các dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP.HCM cũng đang bắt đầu được triển khai xây dựng. Một số trung tâm thương mại, siêu thị, bãi đỗ xe ngầm dưới lòng đất cũng đã và sắp đi vào hoạt động.

Có thể kể đến công trình ngầm tại Vincom Center B, nằm ngay trung tâm Q.1, đã được đưa vào khai thác từ ngày 30.4.2010. Đây là một tòa tháp cao 26 tầng và 6 tầng hầm trên diện tích mặt bằng là 7.371 m2, trong đó, khu shopping mall được bố trí nằm từ tầng hầm B3 đến tầng L2 có tổng diện tích là 57.704 m2. Tiếp đến là Vincom Center A TP.HCM (khu tứ giác Eden) với quy mô 6 tầng ngầm và 9 tầng nổi, được khai trương vào ngày 10.10 vừa qua. Dự án này bao gồm trung tâm thương mại có diện tích khoảng 38.000 m2, khách sạn vượt chuẩn 5 sao với gần 300 phòng và bãi đậu xe ngầm trên 25.000 m2. Theo quy hoạch, Vincom Center A sẽ được kết nối ngầm với nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Tuyến metro này có nhà ga Bến Thành, trong tương lai sẽ là nơi giao nhau của các tuyến metro số 2, 3a và 4. Với các trục đường nội thành ngay phía trên nhà ga có một bến xe buýt gần kề, khu vực này sẽ có vai trò như một đầu mối giao thông quan trọng. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, một không gian công cộng sẽ được hình thành xung quanh nhà ga Bến Thành, kết hợp giữa KGN và không gian trên mặt đất. Các nhà ga metro, khu quảng trường nhà ga ngầm và khu trung tâm thương mại ngầm sẽ được kết nối đồng mức với các tầng ngầm của các tòa nhà kế cận. Một khi các tòa nhà kế cận khu vực này hoàn tất xây dựng, cả khu vực sẽ phát triển thành một khu phố đi bộ dưới lòng đất.

Đô thị hóa lòng đất
Trung tâm thương mại “trong lòng đất” tại Vincom Center (TP.HCM) - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tài nguyên quý báu cần được khai thác

Theo Tổng hội Xây dựng VN, không phải đô thị nào cũng cần quy hoạch tổng thể KGN, vì điều đó còn phụ thuộc vào tiềm năng kinh tế quốc gia và quy mô dân số đô thị. Chẳng hạn đô thị trên 1 triệu dân mới cần có tàu điện ngầm, hoặc Nhật Bản yêu cầu đô thị có từ 300.000 dân (vùng có tuyết thì từ 100.000 dân) trở lên mới cần phát triển KGN.

Các chuyên gia cho rằng, khi GDP đầu người đạt 500 USD thì quốc gia đã có điều kiện phát triển KGN; khi đạt mức 1.000 USD thì bắt đầu đi vào giai đoạn quy hoạch và phát triển KGN đô thị; đạt tới 3.000 USD thì giá đất đô thị tăng cao nên việc phát triển KGN đô thị đã chín muồi và tiến tới cao trào. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã vượt quá ngưỡng 1.000 USD và còn tiếp tục tăng lên. Mức độ đô thị hóa đã vượt quá 30% và tăng trưởng nhanh. Theo kinh nghiệm quốc tế, trong bối cảnh đó, nước ta đã phải bắt đầu đặt ra vấn đề quy hoạch phát triển KGN đô thị.

 

Đô thị hóa lòng đất
Đường hầm Kim Liên (Hà Nội) - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tại hội thảo "Quy hoạch và quản lý phát triển KGN đô thị" tổ chức ở TP.HCM vào tháng 7 vừa qua, Tổng hội Xây dựng VN đã đề nghị UBND TP.Hà Nội và TP.HCM xúc tiến việc bổ sung quy hoạch KGN vào quy hoạch tổng thể hiện hành và tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển KGN tại khu thương mại trung tâm, trước hết là tại khu phố đi bộ, các tụ điểm du lịch (như Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội) và KGN kết nối với các ga tàu điện ngầm, với các hầm bộ hành. Đặc biệt, cần hoàn thiện khung pháp lý, từ khung pháp lý về đất đai, về quy hoạch đến khung pháp lý về cơ chế tài chính. KGN là một dạng tài nguyên quý báu cần được tích cực khai thác để trở thành không gian thứ hai của đô thị hiện đại. Để đạt được mục đích đó, song song với việc áp dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình ngầm thì đồng thời phải bổ sung chủ đề KGN vào chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, và xây dựng khung pháp lý, thể chế tương ứng. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp mà chính quyền các đô thị, trước hết là các đô thị lớn, không nên để lỡ việc xúc tiến các việc nói trên.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trong các luật được ban hành gần đây, phát triển KGN đô thị đã có nhưng chưa đủ, chưa thống nhất. Khung pháp lý quan trọng nhất là luật Đất đai chưa đề cập đến khai thác KGN đô thị. Các khung pháp lý liên quan khác cũng không đề cập hoặc chưa đề cập rõ ràng. Việc chưa có đầy đủ hệ thống khung pháp lý khiến cho công trình ngầm hiện nay được quản lý riêng cho từng ngành, không có sự phối hợp có hệ thống, cho nên chưa có dữ liệu chia sẻ công trình ngầm, KGN. Đó là nguyên nhân khiến cho công tác quy hoạch không thống nhất, đầu tư chồng lấn, kém hiệu quả. Ngay việc tổ chức quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch nói chung cũng đang là khâu yếu kém, mà một trong số các biểu hiện đáng phàn nàn là tình trạng đào lên lấp xuống nhiều lần để lắp đặt kết cấu hạ tầng dưới nền đường phố, do thiếu sự phối hợp của các dự án có liên quan.

Nhật Bản là nước sớm phát triển các đường phố ngầm nhiều tầng, tuy nhiên ở châu Á thì Trung Quốc mới là nước phát triển KGN đô thị mạnh mẽ nhất hiện nay. Ngoài tàu điện ngầm với chiều dài mỗi năm tăng thêm 180 km, nhiều đô thị ở nước này còn xây dựng đường cao tốc ngầm, hệ thống công trình ngầm đa chức năng, nhiều khu đô thị ngầm có diện tích bằng 20-30% tổng diện tích khu vực trên mặt đất. Hiện hơn 20 đô thị của Trung Quốc đã có quy hoạch KGN.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.