Đô thị thông minh: Người dân thoát ngập nước, kẹt xe ra sao?

28/11/2017 11:01 GMT+7

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay TP sẽ công bố nhiều tiện ích thông minh trên điện thoại di động để người dân biết những khu vực kẹt xe, ngập nước ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nói: "Chiến lược lâu dài là chúng ta phải đầu tư hạ tầng, đầu tư trung tâm dữ liệu, trung tâm điều hành để giúp TP xây dựng vấn đề chiến lược. Hiện nay, chúng ta làm những con số trên giấy nên tính toán không ra; những chỉ tiêu, nhiệm vụ đều thuộc về cảm tính. Khi đưa vào máy phân tích sẽ ra số liệu cụ thể, biết được tình hình, biến động thế giới và trong nước, kinh tế vùng và TP.HCM; căn cứ vào sự phát triển của dân số trong những năm kế tiếp, mô phỏng, phân tích mọi số liệu để đưa ra dự báo, tình hình kinh tế TP trong 5 năm tới. Thông minh ở đây bao hàm việc sử dụng công nghệ, giải pháp khoa học để điều hành, quản lý".

Ông Trần Vĩnh Tuyến Trung Hiếu

*Hiện nay vấn đề người dân quan tâm là kẹt xe và ngập nước. Đô thị thông minh sẽ giải quyết vấn đề nan giải này thế nào?

- TP cũng từng bước làm rồi. Ví dụ như muốn chống kẹt thì phải mở đường, làm cầu. Tuy nhiên việc người dân tự điều tiết giao thông cũng giúp đỡ kẹt. Nếu anh biết khu vực đó kẹt xe để không đi vào cũng góp phần điều tiết giao thông. Do đó người dân nên làm quen với điện thoại thông minh, những chương trình thông báo thông tin của chính quyền để có hướng xử lý. Hiện giờ trung tâm chống ngập TP đều cảnh báo khu vực nào ngập, khu vực nào không, còn về giao thông thì có bản đồ xe buýt để hành khách tiện đi lại…

Sắp tới đây, nhiều chương trình thông minh sẽ được công bố và người dân cần làm quen với những thông tin này trên điện thoại di động để biết được những khu vực nào ngập, kẹt xe, mưa lớn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

* Người dân phải làm gì để cùng với chính quyền xây dựng chính quyền thông minh?

- Đây là xu hướng của thời đại. Nếu chúng ta không làm thì sẽ lạc hậu. Nhưng nếu chúng ta chưa biết gì hết cũng là điều kiện thuận lợi vì có những nước đi đầu về vấn đề này từ lâu nhưng khi cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự thay đổi của những nước này rất khó.

Chúng ta tuy chậm nhưng sẽ làm từ đầu nhưng cách thay đổi sẽ nhanh hơn.

Tiếp nữa, người dân phải thực sự chủ động để cùng tương tác, tham gia góp ý xây dựng chính quyền thông qua những phần mềm thông minh. Người dân phải làm quen chứ không thể nói không biết sử dụng điện thoại di động. Ai chưa làm quen thì phải tập còn không sẽ rất lạc hậu với công nghệ bởi đây là tiện ích mà nhà nước, doanh nghiệp, xã hội cùng tương tác để giúp cho xã hội ngày càng tiện ích và có nhiều cơ hội chọn lựa hơn.

* TP có tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiếp cận với điện thoại di động vì không phải ai cũng có đủ tiền để mua điện thoại di động?

- Theo thống kê của sở ngành, trừ những người già lớn tuổi ít sử dụng điện thoại di động thì 82% người dân TP sử dụng điện thoại thông minh. Phấn đấu của TP sẽ có 100% người dân đang sử dụng điện thoại thông minh sẽ dùng ít nhất một phần mềm tiện ích thông minh của TP.

Viettel đã ký kết hợp tác với TP cung cấp 100% thiết bị wifi không dây vào từng nhà nếu được sự đồng ý.

Ngoài ra Viettel sẽ cung cấp gói 4G cho khách du lịch với giá chỉ 2 USD dùng trong thời gian lưu trú ở TP.

Chính quyền, doanh nghiệp ở TP sẽ tạo mọi điều kiện để người dân có thể tương tác thông qua những dịch vụ thông minh.

* Vừa rồi Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM. Cơ chế này sẽ giúp TP như thế nào trong việc xây dựng đô thị thông minh?

- Về tài chính, kinh phí TP thu được sẽ có một phần đầu tư vào những ứng dụng về công nghệ thông tin trong đề án. Đồng thời đề án cũng chính là thị trường rất lớn để các doanh nghiệp có thể phát triển, giúp đỡ lẫn nhau. Các doanh nghiệp buộc phải quan tâm về vấn đề công nghệ, còn không sẽ rất khó để cạnh tranh.

Nghị quyết của Quốc hội sẽ giúp TP chủ động hơn về đầu tư tài chính và chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.