Nơi tập kết của chất thải
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng đổ trộm bùn thải, phế liệu, rác thải… Tuy đã được giao cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công nhưng khu vực này hiện vẫn còn để trống khá nhiều. Vì thế, vào đêm khuya, khi lực lượng chức năng không làm việc thì xe ben, xe rác... tự tung tự tác đổ mọi thứ tại đây.
Chính quyền, Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cần chỉ đạo các chủ đầu tư dự án và các đơn vị thi công đã được giao đất có trách nhiệm làm hàng rào, cổng kiểm soát. Nên bố trí lực lượng bảo vệ tuần tra, ngăn chặn các đối tượng, phương tiện đổ trộm bùn, rác thải.
Phạm Thanh Thúy (Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Chắc chắn là chất thải độc
Hàng trăm lượt xe ben trọng tải 30 tấn đổ trộm bùn vào bãi đất trống. Chắc chắn, bùn thải này có chứa chất độc, nếu là bùn bình thường thì người ta chẳng dại đổ đấy, họ sẽ dùng để san lấp mặt bằng. Đã làm sai họ còn thách thức chính quyền, đe dọa cán bộ phường. Được biết, đây không chỉ là vụ việc duy nhất xảy ra ở khu vực đô thị mới Thủ Thiêm, chính quyền địa phương đã xử lý rất nhiều vụ việc tương tự. Thiết nghĩ chính quyền Q.2 cần phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố có cách ngăn chặn kịp thời hành vi xả thải trái phép này.
Trần Thị Bạch Tuyết (Q.9, TP.HCM)
Có ai chống lưng ?
Phải có ai đó, thế lực nào đó “chống lưng” hay “bảo kê” thì xe ben mới đổ bùn một cách ngang nhiên và dám thách thức chính quyền địa phương như vậy. Cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra, truy tìm cá nhân, tổ chức nào đã bảo kê cho “đoàn xe” đổ trộm bùn này. Người dân thành phố hiện đã khá mệt mỏi với nạn ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn nên đừng để phải nhận lãnh thêm sự ô nhiễm từ những cá nhân, tổ chức làm càn, làm ẩu như thế này nữa.
Phạm Văn Dần (P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Làm giàu bất lương
Các công ty chuyên thu gom chất thải rắn sẽ đi thu gom chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp hoặc các công trình nạo vét nào đó với giá thu gom khá cao. Chất thải rắn đó thải ở đâu, như thế nào thì nhà máy, xí nghiệp đó không cần biết, miễn chở ra khỏi cổng là thanh toán tiền. Và thay vì thu gom chất thải về xử lý hay tập kết đâu đó để xử lý thì các doanh nghiệp thu gom chất thải lại tìm cách đi đổ bậy. Chi phí để “mua đường”, “mua bãi” đổ bậy rẻ hơn nhiều so với chi phí xử lý chất thải. Hậu quả chỉ có xã hội, nhà nước nhận lãnh.
Trần Minh Trung (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Nguyễn Đức Hữu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Nguyễn Đức Nghĩa (TP.Đà Nẵng)
T.T - Duy Khang (thực hiện)
|
Bình luận (0)