Đổ vỡ vì tiền mừng cưới

14/02/2012 09:02 GMT+7

Tiền mừng cưới được hiểu là món quà để cô dâu, chú rể thêm hạnh phúc nhưng đôi khi số tiền này gây bất hòa cho nhiều gia đình.

Tôi đang thu xếp công việc để cuối tuần cả gia đình về Tiền Giang tham dự đám cưới của người chị họ thì chị gọi điện thoại: “Thôi, đừng về làm gì. Hủy đám cưới rồi”.

Đường ai nấy đi

Chị Thanh, chị họ tôi, tình duyên khá lận đận. Chị yêu mấy lần nhưng chẳng đến đâu. Tháng trước, má chị gọi điện cho tôi với giọng phấn chấn: “Cuối tháng này, vợ chồng cháu thu xếp về ăn đám cưới chị Thanh nghen. Lần này, nó chịu lấy chồng rồi”. Chồng chị Thanh có nghề nghiệp ổn định, lại là con út của một gia đình khá giả nên họ hàng ai cũng mừng cho chị. Vậy mà bây giờ nghe tin chị hủy hôn, tôi ngạc nhiên quá đỗi.

Bà Võ Thị Minh Huệ, Trung tâm Tư vấn Tâm lý Trẻ: Hãy coi đó là một món quà

Trước đây, người ta thường tặng cô dâu chú rể những món quà nhỏ, vừa để ghi nhớ ngày lễ trọng đại này vừa để góp phần gầy dựng cho gia đình nhỏ. Rồi sau đó, người ta chuyển sang tặng tiền để cô dâu chú rể có thể tự chọn cho mình những món quà tùy thích. Cũng từ đó, tiền mừng cưới lại trở nên “lạc đề”. Nếu coi đám cưới là một “phi vụ” đầu tư thì chắc chắn những đồng tiền mừng sẽ đi kèm theo nó những băn khoăn, hụt hẫng, thậm chí có thể châm ngòi những mâu thuẫn của các cặp vợ chồng mới cưới. Tốt nhất hãy xem đó là một món quà thể hiện tấm lòng của những người được mời.

Hỏi mãi, chị mới chịu nói lý do: “Nghe thì kỳ nhưng sự thật đúng là chỉ tại cái chuyện tiền mừng cưới. Chị muốn mọi chuyện rõ ràng nên bảo sẽ dùng số tiền đó để vợ chồng làm vốn kinh doanh; thế nhưng anh ấy lại nói do gia đình bên anh ấy tốn kém nhiều thứ khi cưới dâu nên tiền mừng cưới phải đưa cho ba má giữ. Cãi qua cãi lại mãi cũng chẳng tới đâu, chị chán quá nên xù luôn”.

Nhưng chưa cưới như chị Thanh xem ra còn may mắn. Chị Loan, bạn của chị tôi, mới cưới chưa đầy tháng đã dắt nhau ra tòa ly dị. Gần 40 tuổi, chị Loan mới được họ hàng mai mối cho một anh kỹ sư cơ khí. Thế nhưng mới đây, gặp tôi, mặt chị buồn hiu: “Ly dị rồi em à. Ai nhìn cũng nghĩ vợ chồng chị đẹp đôi nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Chị kể ngay trong đêm tân hôn, khác hẳn với những gì chị tưởng tượng, anh vào phòng trước, khóa cửa lại đếm tiền mừng cưới một mình rồi bỏ vào két sắt mà không cho chị biết thiếu đủ thế nào. Chị thở dài: “Một người tham lam như vậy thì làm sao là một người chồng, người cha tốt được? Thôi, chia tay sớm cho khỏe”.

Sui gia không nhìn mặt

Mỗi lần gặp mặt, Mỹ Linh, cô bạn thời đại học của tôi, đều tránh nhắc đến gia đình. Ngày Linh lấy chồng, ai cũng mừng vì gia đình chồng cô rất giàu có. Nhưng niềm vui nhanh chóng tan biến khi sau đám cưới, mẹ chồng Linh bảo: “Tiền mừng cưới này bố mẹ giữ để trang trải chi phí vì khách mời đa số là mối quan hệ của bố mẹ. Các con cầm lấy 2 triệu đồng để đi du lịch”. Ba mẹ Linh bực bội nên bắn tiếng với sui gia: “Nhà giàu mà keo kiệt, tính toán”.  Vậy là từ đó hai bên sui gia chẳng thèm tới lui.

Nhưng chuyện của Minh, em của chị đồng nghiệp của tôi, còn nghiêm trọng hơn. Do Minh là cháu đích tôn nên đám cưới được tổ chức linh đình ở một khách sạn lớn tại TPHCM; họ hàng, anh em đều có mặt đông đủ và không quên bỏ tiền mừng kha khá để vợ chồng Minh có số vốn ban đầu.

Nhưng sau đám cưới, cha mẹ vợ của Minh bảo con gái và con rể tổ chức một chuyến du lịch Thái Lan với thành phần tham dự hơn chục người là bà con, anh em của họ nhà gái. Chuyến du lịch ấy đã ngốn sạch hơn 200 triệu đồng mừng cưới. Đã vậy, khi nghe cha mẹ chồng hỏi đến, vợ Minh trả lời tỉnh bơ: “Đây là tiền xui xẻo, phải xài cho hết”. Cho rằng họ nhà gái không biết điều nên cha mẹ Minh cũng chẳng thèm nhìn đến mặt sui gia.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.