Anh Đỗ Thiên Hoàng (27 tuổi), chủ một cơ sở kinh doanh phụ kiện ô tô ở Q.Tây Hồ (TP.Hà Nội), cho biết khoảng 3 tháng nay, máy đo nồng độ cồn là sản phẩm thu hút đông đảo khách hàng tìm mua.
"Có rất nhiều loại máy như: Himed 2010, Alcohol Tester AT6000, Sentech AL8000… Mỗi máy gồm 3 bộ phận. Thân máy có vỏ bằng nhựa, cụm pin. Ống thổi, bên trong có hóa chất giúp máy phân tích xác định nồng độ cồn. Màn hình hiển thị kết quả. Tùy sản phẩm, giá từ 400.000 – 600.000 đồng/máy", anh Hoàng cho hay.
Bỏ luôn xe vì lỗi vi phạm nồng độ cồn, sẽ bị phạt thế nào?
Anh Nguyễn Hà Thư (29 tuổi), chủ một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm độc lạ ở đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cũng kể khách mua máy đo nồng độ cồn khá nhiều.
"Máy đo nồng độ cồn mini kiêm móc chìa khóa khá tiện lợi. Khách thích vì có thể báo kết quả chính xác. Chỉ trong nửa tháng 1, tôi bán ra hơn 200 sản phẩm", anh Thư nói.
Cũng theo người này, sử dụng máy đo nồng độ cồn đơn giản. Không cần thổi qua ống, chẳng phải tiếp xúc bằng miệng. Thay vào đó, chỉ cần thổi một hơi dài vào khe phía bên trên máy. Sau 10 giây, máy sẽ báo kết quả.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy hiện mặt hàng này đang rao bán rất nhiều, nhất là trên các website, trang thương mại điện tử, mạng xã hội và được khách hàng ưa chuộng.
Anh Nguyễn Bình Khánh (33 tuổi), ngụ tại 223 Phùng Văn Cung, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết có mua máy đo nồng độ cồn hiệu FiT331 với giá 400.000 đồng. "Tôi mua để kiểm tra nồng độ cồn trước khi điều khiển xe máy. Qua đó giúp không còn lo lắng, có thể tránh việc bị phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn", anh Khánh nói.
Anh Trần Thành Vương (30 tuổi), làm việc tại 33 Tú Xương, Q.3 (TP.HCM), cũng kể mua một máy đo nồng độ cồn hiệu Liber SH với giá 430.000 đồng. Anh Vương lý giải: "Tôi sợ khi uống bia không độ, sử dụng nước trái cây lên men, lỡ có nồng độ cồn trong hơi thở. Nên tôi mua để tự bản thân đo trước khi lái xe".
Một lý do khác được nhiều người chia sẻ, đó là không biết sau khi sử dụng bia, rượu bao lâu thì mới hết nồng độ cồn trong hơi thở. Họ quyết định mua máy đo nồng độ cồn để luôn mang theo bên người, dễ dàng kiểm chứng.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhiều người quan tâm, thắc mắc, là liệu rằng máy đo nồng độ cồn đang được rao bán nhiều trên thị trường có cho ra kết quả chính xác hay không?
Trả lời điều này, anh Đỗ Thiên Hoàng, chủ một cơ sở kinh doanh phụ kiện ô tô ở Q.Tây Hồ (Hà Nội), nói: "Sản phẩm có tích hợp bộ lọc tạp chất. Có độ nhạy cao, chính xác và tin cậy".
Mặc dù vậy, theo một cảnh sát giao thông đang công tác tại Công an TP.Tân An (tỉnh Long An), thì rất khó để kiểm chứng được mức độ chính xác của các máy đo nồng độ cồn đang được rao bán trên thị trường. Ngược lại, máy đo nồng độ cồn mà cảnh sát giao thông sử dụng do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm định nên mới cho ra kết quả chính xác.
Vị này lo ngại tình huống: "Có thể máy đo nồng độ cồn tự mua cho ra kết quả trong máu hoặc hơi thở không có nồng độ cồn. Nhưng biết đâu khi bị kiểm tra, lại cho ra kết quả ngược lại".
Thực tế, điều vị này nói không phải không có lý. Bởi như chia sẻ với phóng viên, đã có người kể lại chuyện sau khi "lai rai" đã sử dụng máy đo nồng độ cồn mua trên mạng thì cho kết quả không có nồng độ cồn trong máu. Tuy nhiên, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra thì vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Vị này khuyên: "Tốt nhất khi tham gia giao thông không uống rượu, bia. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe, hạn chế tai nạn giao thông".
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết theo khoản 8, điều 4 luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, và khoản 6 điều 5 luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, có quy định "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm".
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng.
Trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng…
Quậy tưng bừng chốt đo nồng độ cồn: 'Em xin tặng luôn chiếc xe…'
Bình luận (0)