Đổ xô vào rừng tận diệt cây thuốc quí

23/05/2011 12:59 GMT+7

(TNO) Nhiều người ở Phú Yên gần đây ùn ùn kéo nhau vào các cánh rừng ở huyện miền núi Sông Hinh tìm đào cây mật nhân, có người còn dùng xe công nông vào khai thác với số lượng lớn, bất kể cây lớn hay nhỏ.

Vị thuốc quí

Trên đường vào rừng cùng với nhóm người đi đào cây mật nhân, chúng tôi được ông Ksor Kế - Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Sông Hinh, người Êđê, cho biết: “Người Êđê gọi cây mật nhân là Ana Sorprao. Ngọn cây màu đỏ, lá màu xanh, cây mọc thẳng không cành, rễ cọc. Thân cây mềm, vị rất đắng, rễ cây có màu trắng, có mùi giống như sâm”.

Rồi ông Kế tiết lộ về công dụng của cây mật nhân mà người dân bản địa lâu nay vẫn dùng: “Bà con ở đây thường dùng cây này nấu nước cho phụ nữ sau khi sinh để uống. Từ 2-3 ngày sau khi sinh, phụ nữ uống nước loại cây này sẽ đi rẫy, tắm suối bình thường mà không sợ nhiễm nước hay nhức mỏi tay chân. Vợ tui khi sinh cũng dùng cây này nên đến giờ bà vẫn khỏe".

Từ thông tin cây mật nhân trị được bá bệnh, nhiều người ở Phú Yên đã tìm dùng để trị bệnh, trong đó có nhiều người đã khỏi bệnh. Ông Huỳnh Thanh Hoa ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, bị bệnh hen phế quản, viêm mũi và dị ứng da mãn tính. Lâu nay, ông Hoa đã tìm đến các thầy thuốc Đông y, Tây y để điều trị, bệnh vẫn chẳng hề thuyên giảm nhưng sau khi sử dụng mật nhân, đã cho kết quả bất ngờ. Ông Hoa cho biết: “Từ ngày dùng cây mật nhân, bệnh của tôi đã thuyên giảm 90%. Tôi có thể đi xe đạp xa vài chục cây số, điều mà trước đó tôi không thể nào làm được”.

 
Dùng cưa lốc để đốn hạ cây mật nhân lớn

Lương y Võ Đức Việt ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh cũng đã dùng cây mật nhân trong các thang thuốc mà ông điều trị cho những người bị viêm cầu thận, thoái hóa khớp.

“Những bệnh nhân viêm cầu thận, thoái hóa khớp dùng cây mật nhân kết hợp với một số loại cây thuốc khác điều trị đều có kết quả là bệnh giảm hẳn. Mật nhân còn dùng trong điều trị cảm sốt bằng cách nấu nước xông hơi”, ông Việt cho biết thêm.

Khai thác tận diệt

Cũng chính vì có thông tin mật nhân là thuốc quí nên nhiều người kéo nhau vào rừng để khai thác. Sáng 11.5, trên đường vào rừng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người đi đào mật nhân. Vì đã có hẹn trước, anh Phan Văn Kỳ ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh dẫn chúng tôi vào vùng rừng ở một buôn nọ, khu vực còn khá nhiều cây mật nhân.

Anh Kỳ cho biết: “Mấy tháng nay, người dân ở khắp nơi vào đây tìm đào cây mật nhân. Họ đi từng nhóm 6-7 người vào những cánh rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Họ đào lấy cả gốc, rễ, cành, nhành nên bây giờ một số vùng không còn cây mật nhân nữa”. Theo anh Kỳ, do nhiều người chưa biết rừng ở buôn trên có mật nhân nên họ chưa vào đào, chứ nếu biết thì vài hôm là “sạch”.

Vào rừng, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến được cảnh khai thác tận diệt cây mật nhân. Nhiều bãi xe tập kết, từng tốp người len lỏi, lùng sục khắp các cánh rừng. Anh Nguyễn Ngọc Kỵ ở xã Sông Hinh bức xúc: “Nếu là cây trị bá bệnh mà khai thác kiểu này thì chẳng bao lâu là mất giống”.

 
Rễ và gốc cây mật nhân

Trong khi đó, lương y Võ Đức Việt thì lo lắng: “Nhiều người không hiểu được giá trị của cây mật nhân nên họ dùng cả xe công nông vào rừng đào lấy đem về. Cây mật nhân dễ bị mọt ăn, nếu để lâu chừng 3 tháng thì không còn công dụng nữa. Cũng vì có người thu mua cây mật nhân với giá 200-400 ngàn đồng/kg nên nhiều người vào rừng đào lấy đem về bán. Với tốc độ khai thác mật nhân hiện nay, tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa thì giống cây này bị tiệt chủng. Điều này khiến những lương y như chúng tôi lấy làm lo lắng cho số phận cây thuốc quí này”. 

 
Chuyển gốc mật nhân từ trong rừng ra

Ông Đặng Đình Toại - Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh (Phú Yên) - cho biết huyện sẽ chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác mật nhân tự nhiên trong rừng. Nếu phát hiện cá nhân, đơn vị khai thác mua bán mật nhân tự nhiên sẽ xử lý nghiêm. 

Bá bệnh (danh pháp khoa học: Eurycoma longifolia), còn gọi là cây bách bệnh, mật nhân/mật nhơn hay hậu phác nam. Là loại cây mộc, được biết đến là một vị thuốc dùng trong Đông y. Tên Mã Lai của cây này là "tongkat ali" và tên Indonesia là "pasak bumi". Tiếng Anh còn gọi cây này là "longjack". (Theo wikipedia)

 Bài, ảnh: Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.