Đoàn 10 đặc công Rừng Sác: Vẫn vẹn nguyên dư âm đêm sông Sài Gòn 'dậy sóng'

05/06/2024 10:40 GMT+7

Đã hơn 5 ngày sau đêm khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2, dư âm của "Chuyến tàu huyền thoại" vẫn còn lắng đọng trong lòng người dân và du khách những ấn tượng khó phai.

Đoàn 10 đặc công Rừng Sác: Vẫn vẹn nguyên dư âm đêm sông Sài Gòn 'dậy sóng'- Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” như một bộ phim về lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển TP.HCM, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người dân và du khách

NHẬT THỊNH

Toàn bộ chương trình nghệ thuật "Chuyến tàu huyền thoại" là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn. Đó là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc; là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy; là chuyến tàu ra khơi mang theo vận mệnh cả dân tộc; là những trận đánh tàu vang dội trên sông; những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách và những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp năm châu… 

Chương trình như một bộ phim về lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển TP.HCM, khơi dậy ngọn lửa tình yêu và tự hào về thành phố, về đất nước. Trong đó, cuộc chiến huyền thoại rừng Sác được tái hiện đầy ấn tượng qua "Dậy sóng".

Mãn nhãn đêm nhạc kịch 'Chuyến tàu huyền thoại' TP.HCM 2024

Kẻ thù đến là đánh, kẻ thù rút là phục 

Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, dòng sông đã trở thành thành chứng nhân lịch sử cho biết bao trận đánh oai hùng. Trong đó, sông Lòng Tàu chính là con đường thủy huyết mạch và là chiến khu đặc biệt ngay cửa ngõ Sài Gòn - một dòng chảy lịch sử hào hùng ẩn vào phù sa, ôm vào lòng những chiến công vang dội của những chiến sỹ đặc công rừng Sác. 

Đoàn 10 đặc công Rừng Sác: Vẫn vẹn nguyên dư âm đêm sông Sài Gòn 'dậy sóng'- Ảnh 2.

Hình ảnh những trận đánh trên sông được tái hiện vô cùng sinh động

BTC

Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác được thành lập vào năm 1966 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các chiến sĩ đoàn 10 Đặc công Rừng Sác hoạt động chủ yếu tại vùng rừng ngập mặn Cần Giờ, phía nam Sài Gòn, nơi địa hình phức tạp và hiểm trở tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh du kích. Ngay sau khi được thành lập, đội Đặc công Rừng Sác này đã nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Được tổ chức và huấn luyện kỹ lưỡng, với các chiến sĩ tinh nhuệ, có khả năng chịu đựng gian khổ và am hiểu sâu sắc địa hình vùng rừng Sác, họ đã thực hiện những cuộc tấn công chớp nhoáng, gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.

Với lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng", các chiến sĩ đặc công rừng Sác không hề nao núng trước "mưa bom, bão đạn" của kẻ địch, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, vượt qua bao thử thách và hiểm nguy. Trải qua 9 năm (từ 1966 - 1975), với lối đánh "xuất quỷ, nhập thần" bất ngờ và táo bạo, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến, tàu vận tải hàng quân sự và các kho tàng của địch, khiến kẻ địch không kịp trở tay và trận đánh nào cũng là "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Trong suốt cuộc kháng chiến, Đoàn 10 đã thực hiện hơn 600 trận đánh, hoàn thành mục tiêu khống chế toàn bộ hệ thống vận tải thủy tiếp tế cho Sài Gòn và phía nam, đồng thời lập những chiến công vang dội ngay ở nội đô. Hơn 900 người đã hy sinh, đến nay còn hơn 500 liệt sĩ chưa tìm thấy...

Với tinh thần chiến đấu quả cảm và chiến thuật xuất sắc, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Những chiến công của họ không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho sức mạnh và ý chí quật cường của con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

Đoàn 10 đặc công Rừng Sác: Vẫn vẹn nguyên dư âm đêm sông Sài Gòn 'dậy sóng'- Ảnh 3.

Ban tổ chức đã tìm gặp những cựu đặc công rừng Sác năm xưa để xin cố vấn về tư liệu, hình ảnh

Bùng nổ cảm xúc

Ban tổ chức chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" đã công phu tìm gặp các nhân chứng lịch sử, là những cựu đặc công rừng Sác năm xưa như bác Nguyễn Văn Hà, bác Trần Ngọc Soạn, bác Huỳnh Thị Thanh Nhi, bác Phạm Duy Phương, bác Nguyễn Anh, bác Trần Phạm Thị Nhung, bác Đào Xuân Hạ, bác Nguyễn Văn Cộng và bác Võ Duy Tấn để xin cố vấn về tư liệu, hình ảnh, nhằm làm sống lại những câu chuyện về tinh thần kiên cường và anh dũng của họ tại chương trình nghệ thuật.

Thưởng thức lại những màn biểu diễn được tái hiện bằng nghệ thuật âm thanh, ánh sáng, âm nhạc… các cựu chiến công rừng Sác đã không khỏi nghẹn ngào xúc động, xen lẫn niềm tự hào về những chiến công đã đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước. Chương trình đã khơi gợi tinh thần yêu nước cho các thế hệ về những chiến công trên dòng sông với những chuyến tàu huyền thoại.

Đoàn 10 đặc công Rừng Sác: Vẫn vẹn nguyên dư âm đêm sông Sài Gòn 'dậy sóng'- Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thăm hỏi các cựu chiến binh đoàn 10 Đặc công Rừng Sác có mặt tại lễ khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM 2024

BTC

Không giấu được xúc động, bác Trần Ngọc Soạn - cựu chiến binh Đoàn 10 đặc công Rừng Sác chia sẻ: "Chương trình vô cùng cảm xúc, tái hiện chân thực hình ảnh của đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Tôi thật sự bất ngờ vì những gì mà Ban tổ chức đã làm được, giúp tôi và đồng đội như sống lại những giây phút chiến đấu ngày xưa". Bác Trần Ngọc Soạn cũng đã thay mặt các bác cựu chiến binh đặc công rừng Sác gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban tổ chức, các anh chị đạo diễn đã thực hiện chương trình.

Với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại - Dòng sông kể chuyện mùa 2" đã mang đến những cảm xúc bùng nổ và hoàn toàn mới mẻ với một vở đại nhạc kịch trên sông lần đầu tiên được tổ chức. Các màn trình diễn nghệ thuật và âm nhạc đã đưa du khách trở về với những câu chuyện lịch sử của dòng sông Sài Gòn, góp khẳng định thương hiệu TP.HCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa - thành phố của những lễ hội.

Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024 có nhiều đổi mới về quy mô và chất lượng chương trình, được diễn ra tại các địa điểm: Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn, Công viên Bến Bạch Đằng, Công viên Bờ sông Sài Gòn, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Ngôi Sao Việt (quận 7), Bến Bình Đông (quận 8), Khu du lịch văn hóa Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của TP. Đồng thời tăng cường liên kết với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ hướng tới xây dựng lễ hội trở thành sự kiện chung của khu vực Nam bộ.

"TP.HCM luôn đón chào mọi du khách trong nước và quốc tế đến và trải nghiệm một dòng sông di sản lưu giữ ký ức từ khởi thủy đến văn minh, hợp lưu giữa truyền thống và cách tân, giữa dân tộc và thế giới. "Linh hồn" của đô thị sông nước giàu sức sống này được tái hiện qua hành trình trải nghiệm đặc sắc bằng du thuyền hạng sang, thuyền buồm thể thao, cano du lịch, waterbus, water taxi, tàu du lịch và tàu nhà hàng… Đây sẽ là những trải nghiệm khó quên của du khách trên sông với các hoạt động vui chơi, thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực độc đáo, phong phú, chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của một thành phố không ngủ về đêm, với những khám phá đầy bất ngờ và thú vị của một đô thị sông nước rực rỡ" - lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM kỳ vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.