Mỹ đã thực hiện 39 chuyến chuyên cơ để mang toàn bộ xe bọc thép và các thiết bị an ninh của Tổng thống Barrack Obama đến Bali, Indonesia.
Ông Obama chỉ ở Bali chưa đầy 48 giờ đồng hồ, từ tối 17 đến chiều 19.11.2011. Nhưng sự có mặt của ông đã khiến toàn bộ sinh hoạt của thành phố du lịch gần 4 triệu dân này bị đảo lộn. Chưa kể hàng ngàn người vạ vật tại sân bay Ngurah Rai vì trễ chuyến trong nhiều ngày.
An ninh và xáo trộn
Đảo Bali nhìn từ cửa sổ máy bay trong một buổi sáng rực nắng đẹp đến mê hồn. Giữa biển trời xanh ngắt, một con tàu xám xịt rẽ nước lao về phía trước, bọt sủi trắng xóa trước mũi và hai bên mạn tàu. Cảnh vẫn đẹp nhưng có vẻ gì đó căng thẳng!
|
Con tàu mà tôi nhìn thấy chỉ là một trong số 5 tàu chiến thuộc Hạm đội Phương Đông của hải quân Indonesia được đưa đến vùng biển Bali để giữ an ninh cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 6, diễn ra từ 17 - 19.11. Đi cùng đội tàu chiến còn có 560 lính thủy đánh bộ, 3 đơn vị thợ lặn chuyên phá mìn dưới nước, cùng một loạt tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát quốc gia được gửi từ thủ đô Jakarta.
Tàu vận tải quân sự KRI Banda Aceh cũng mang theo 5 trực thăng và 22 xe thiết giáp để hỗ trợ cho trận địa an ninh trên không và đất liền do lục quân và cảnh sát đảm trách. Bầu trời phía trên khu phức hợp Nusa Dua, nơi diễn ra các hội nghị, trong những ngày cao điểm là một vùng cấm bay, ngoại trừ trực thăng do thám. “An toàn cho hội nghị là ưu tiên tối thượng. Chúng tôi sẽ tăng cường an ninh tối đa trên đất liền, trên biển và trên không”, thiếu tướng Leonard - Tư lệnh lục quân vùng Udayana gồm 3 tỉnh Bali, Tây và Đông Nusa Tenggara - tuyên bố.
Khi tôi kéo va li ra cửa sân bay, người lái taxi tên Made Jagra mà tôi làm quen trong lần đến Bali hồi tháng 7.2011 đã có mặt hơn một tiếng đồng hồ. Made bảo anh đi sớm vì sợ kẹt đường. Trước đó 2 ngày, Made ngắc ngoải hơn 3 tiếng đồng hồ trong đám kẹt xe trên đường đưa khách ra sân bay. Cuộc diễn tập bảo vệ an ninh hội nghị với sự tham gia của khoảng 15.000 binh sĩ và cảnh sát khiến Bali gần như tê liệt.
|
Cũng như nhiều người khác kiếm sống nhờ du khách, Made bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ liên tục chịu trận kẹt xe vì các lực lượng, phương tiện an ninh được bố trí và di chuyển dày đặc trên các tuyến đường quan trọng, trong mấy ngày diễn ra hội nghị, Made “chỉ ở nhà ngủ” vì đi tới đâu cũng bị cấm. Bất kỳ ai và phương tiện gì muốn vào khu vực thuộc phạm vi quản lý của Tổng công ty phát triển du lịch Bali đều phải có thẻ đặc biệt do hội nghị cấp. Các khách sạn trong khu vực này phải xin cấp thẻ cho từng nhân viên lẫn du khách. Công ty taxi, xe ôm cũng chỉ xin được một số thẻ giới hạn, mà Made lại không nằm trong số ưu tiên.
Phóng viên nước ngoài như tôi cũng lao đao. Tôi trú tại một khách sạn nằm ngoài vành đai Nusa Dua. Sáng 16.11, khách sạn sơ ý, bố trí một chiếc xe không có thẻ để đưa tôi vào Trung tâm hội nghị Bali Nusa Dua (BNDCC). Sau khi nhích từng mét hơn nửa cây số và đến lượt kiểm tra an ninh để vào bên trong, xe của tôi lại bị đuổi ra vì không có thẻ. Các nhân viên an ninh phải nhờ một anh xe ôm có phép chở tôi vào bên trong. Nhìn tôi trong bộ váy veste ngắn, đầu trần, mồ hôi nhễ nhại, ngồi vắt vẻo sau lưng anh xe ôm, nhân viên an ninh của BNDCC bấm nhau cười rúc rích.
39 chuyến chuyên cơ Chiều 20.11, khi tất cả các nhà lãnh đạo đã rời Bali, sân bay Ngurah Rai vẫn chỉ mở một cửa số 9 để đón khách. Đến 9 giờ tối, người ta mới mở thêm cửa số 1. Chuyến bay về Singapore của tôi lúc 18 giờ 35 phút bị trễ gần 3 tiếng đồng hồ. Cũng với giờ bay này vào ngày 19.11, khi ông Obama rời Bali, hành khách phải vạ vật đến gần 5 giờ sáng hôm sau mới được lên máy bay. Lang thang trong lúc chờ đợi, tôi gặp một nhóm nhân viên hàng không được mời từ Singapore sang để hỗ trợ một số chuyến chuyên cơ của các nhà lãnh đạo. Họ cho tôi biết để đưa sang Bali ngần ấy xe và các phương tiện an ninh, y tế… Nhà Trắng đã thực hiện tổng cộng 39 chuyến bay bằng chuyên cơ quân sự. Nhân viên Nhà Trắng phải đến Bali từ ngày 20.10 để chuẩn bị cho sự có mặt của ông Obama vào tối 17.11. Eric Watnik, Tham tán phụ trách đối ngoại của Đại sứ quán Mỹ tại Singapore, trong cuộc “trà dư tửu hậu” với phóng viên ngày 2.12 cho tôi biết, tùy vào quốc gia ông Obama đến và thời gian ông lưu lại mà Nhà Trắng sẽ cân nhắc đem bao nhiêu thiết bị hộ tống. Ngoài ra, mỗi quốc gia cũng có “quota” cho phép Mỹ đem vào những thứ gì, số lượng bao nhiêu. Trong trường hợp Indonesia, “quota” cho ông Obama hẳn là tối đa! |
Sáng 18, tôi đi taxi, mọi việc trơn tru. Nhưng đêm ấy, sau khi xong việc, tôi ra cổng BNDCC để bắt taxi về khách sạn như mọi hôm thì lại bí. Taxi bị cấm vì Tổng thống Indonesia mở tiệc chiêu đãi các lãnh đạo ASEAN và 8 nước đối tác trong Thượng đỉnh Đông Á (EAS) gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc. Tôi phải cuốc bộ đến gần 12 giờ đêm mới bắt được xe. Ngày cuối cùng với EAS, toàn bộ taxi bị cấm, tôi lại đứng chôn chân ngay cổng Nusa Dua trước khi được một xe tải nhỏ của khách sạn Westin chở vào bên trong…
Đoàn xe khủng
EAS không diễn ra tại BNDCC, một công trình vừa hoàn tất trước thềm loạt hội nghị, mà tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bali (BICC) cách đó không xa. BICC là một tòa nhà 3 tầng rất duyên dáng. Phía trước có bồn hoa hình tròn rất to, cùng dãy cột cờ bóng loáng phần phật quốc kỳ 18 quốc gia EAS, cờ ASEAN và cờ LHQ.
Khi tôi đến, BICC khá yên ắng, các lãnh đạo ASEAN đang họp với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Tiếp theo là cuộc họp với Ấn Độ. Phiên họp toàn thể của EAS đến 12 giờ trưa mới bắt đầu. Thảm đỏ dẫn đến phòng họp Nusantara 1-2 chộn rộn với sự xuất hiện của ông Obama. Ông sóng đôi cùng Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, trở thành một cặp rất “ăn khách”.
Kết thúc phiên toàn thể, các nguyên thủ ăn trưa, tôi về BNDCC là nơi đặt trung tâm báo chí của hội nghị. Vừa ra cửa BICC, chiếc xe hơi màu đen cắm quốc kỳ có tua ren màu vàng của Mỹ và Indonesia khiến tôi khựng lại. Tôi nhận ra ngay đó là chiếc Cadillac bọc thép của ông Obama. Xe mang biển số 800-002, dòng trên biển số ghi Washington D.C, dưới là địa chỉ www.washingtondc.gov. Bên hông xe có huy hiệu của Tổng thống Mỹ, biến tấu khác một chút so với quốc huy Mỹ.
Tôi hỏi nhân viên Mỹ trông coi chiếc xe này rằng tôi có thể chụp hình với nó được không, anh ta “OK”. Chụp xong tôi hỏi có thể nhìn vào bên trong xe không, anh ta lại: “OK, nhưng cô không được sờ vào nó”. Tôi ghé sát vào cửa kính, nheo mắt nhìn xuyên qua lớp kính màu, nhưng ánh nắng chói chang khiến tôi không thấy gì rõ nét. Nhìn xong, tôi hỏi bâng quơ: “Tổng thống thường ngồi chỗ nào trong xe nhỉ?”. Anh chàng đáo để: “Khi cô trở thành Tổng thống Mỹ, cô muốn ngồi chỗ nào cũng được!”.
Đằng sau chiếc xe dài này lại có 2 chiếc nữa mang biển số JB-6977 và JB-8298 của
Washington D.C, không cắm cờ, tài xế ngồi trong xe. Đi tới phía trước, tôi bất ngờ với một loạt xe biển số 800-002, y chang nhau, trong đó có 3 chiếc Cadillac dài, gầm thấp, và 4-5 chiếc Chevrolet Suburban gầm cao. Mỗi chiếc có một nhân viên người Mỹ đứng canh. Tôi nhủ thầm, để biết chính xác ông Obama đang ngồi trong xe nào là một điều không dễ! Đi tới nữa, vẫn chỉ những chiếc xe đến từ nước Mỹ. Cuối cùng tôi đếm cả đoàn ngót nghét 20 chiếc, một số là xe dẫn đường, xe cứu thương…
Các lãnh đạo Indonesia nói họ coi việc đảm bảo an toàn cho mỗi lãnh đạo là như nhau. Nhưng sự độc chiếm toàn bộ khuôn viên BICC của đoàn xe đến từ nước Mỹ khiến tôi không tin như thế.
Thục Minh
(VP Singapore)
Bình luận (0)