Theo Lê Sơn, đó là mô hình “Lấy đoản binh thắng trường trận” mà cha ông chúng ta, từ thời Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã thực hiện thành công. Gọi những tổ đoàn kết sản xuất của ngư dân Quảng Ngãi là “đoản binh” thực ra chỉ là một cách gọi, chứ ngư dân mình chủ yếu ra khơi đánh cá chứ chẳng đánh ai. Có điều, nếu làm ăn riêng lẻ như lâu nay, thuyền nào biết thuyền ấy, thì rất dễ trở thành mục tiêu “ngon xơi” cho tàu Trung Quốc bắt nạt, thậm chí hành hung tàn nhẫn. Nay thì ngư dân Quảng Ngãi sẽ ra khơi với những tổ-đoàn-đội từ 5 thuyền trở lên, vừa trợ giúp nhau đánh cá, không bo bo giữ “bí mật ngư trường” cho riêng mình mà chia sẻ thông tin với bà con, cho tới tập trung lực lượng mỗi khi trên biển xảy ra sự cố, nhất là khi bị tàu nước ngoài vô cớ hành hung. Đoàn kết là sức mạnh mà!
Trước đây, do sản xuất riêng lẻ, ra khơi riêng lẻ, nên mỗi khi gặp nạn bị mất thuyền hay ngư lưới cụ, thì sự trợ giúp của nhà nước hay của các tổ chức xã hội, của những người yêu mến ngư dân cũng rất khó khăn. Nay thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, thì nhà nước và các tổ chức xã hội hay doanh nghiệp đã có những địa chỉ tin cậy để trợ giúp mỗi khi ngư dân gặp khó khăn hay bất trắc.
Huyện Bình Sơn vừa rồi đã thí điểm thành lập Hợp tác xã (HTX) nghề cá xã Bình Châu - là địa phương có số lượng lớn tàu thuyền đánh cá xa bờ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu hoạt động của HTX nghề cá này có hiệu quả, thì đây là một mô hình cần nhân rộng, mặc dù hoạt động theo cơ chế HTX yêu cầu nhiều điều kiện hơn là thành lập Tổ đoàn kết sản xuất trên biển rất nhiều.
Trước mắt, mô hình “Tổ đoàn kết sản xuất trên biển” của ngư dân Quảng Ngãi là một mô hình vừa tầm cần được phát huy tối đa, để làm sao toàn bộ ngư dân đánh cá xa bờ đều tự nguyện tham gia vào các tổ đoàn kết này.
Thanh Thảo
Bình luận (0)