Đoàn kết vì mục tiêu sức khỏe cho người dân

05/10/2023 08:38 GMT+7

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giảm thiểu rủi ro sức khỏe là phương án hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu từ xa gửi tới Hội nghị giảm thiểu rủi ro sức khỏe châu Phi lần thứ 2 và Nam – Nam lần thứ nhất vừa diễn ra ở Ma Rốc, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giảm thiểu rủi ro sức khỏe là phương án hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Ông nói: "Một trong những lựa chọn quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái. Cùng với đó, chúng ta phải đưa các dịch vụ như nước và vệ sinh tới với hơn 2 tỉ người đang không thể tiếp cận khắp thế giới".

Đoàn kết vì mục tiêu sức khỏe cho người dân - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

CTV

Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch hiệp hội Y tế toàn cầu châu Phi (AGH- African Global Health) Imane Kendili nhấn mạnh các nước cần gạt bỏ những bất đồng để đoàn kết lại nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo tiến sĩ Kendili, AGH mong muốn dựa vào nỗ lực của các quốc gia châu Phi và thông qua sự ghi nhận từ bộ trưởng của nhiều nước tham dự sự kiện để biến lập trường đó trở thành hành động.

Các nước cần gạt bỏ những bất đồng để đoàn kết lại nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Chủ tịch tổ chức Y tế toàn cầu châu Phi Imane Kendili

Tiến sĩ Patrick Luwaga, đại sứ AGH tại Uganda, nói với báo giới bên lề hội nghị: "Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, thu hút đại diện từ hơn 80 quốc gia không chỉ ở châu Phi mà ở các châu lục khác trên thế giới, và chủ đề của hội nghị cũng rất quan trọng khi chạm đến tất cả khía cạnh của đời sống. Và vì thế nếu có thể giảm thiểu rủi ro, chúng ta có thể giải quyết phần lớn nhu cầu y tế trên thế giới này".

Theo tiến sĩ Luwaga, hơn bao giờ hết các nước châu Phi phải cùng nhau làm việc để nhận diện vấn đề của mình và có giải pháp cho chúng, đồng thời tìm kiếm những đối tác khác để hỗ trợ châu Phi giải quyết vấn đề. Ông cho biết hội nghị năm ngoái lần đầu tiên diễn ra về giảm thiểu rủi ro sức khỏe là khởi đầu và tất cả có mặt ở Marrakech trong hội nghị lần hai bởi họ đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này. "Chúng tôi muốn mở rộng để giải quyết tất cả vấn đề liên quan giảm thiểu rủi ro về sức khỏe. Và đó là lý do AGH huy động chúng tôi trong nỗ lực này. Thực tế nó không chỉ là chuyện y tế đơn thuần, nó còn là môi trường, nguồn nước, an ninh lương thực – vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta từ khi ra đời cho đến khi mất đi".

Thực tế nó không chỉ là chuyện y tế đơn thuần, nó còn là môi trường, nguồn nước, an ninh lương thực – vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta từ khi ra đời cho đến khi mất đi.

Tiến sĩ Patrick Luwaga, đại sứ AGH tại Uganda, Chủ tịch Liên đoàn chăm sóc y tế Uganda (UHF)

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi đang làm việc để hướng tới đạt được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện và công bằng của người dân, để dù họ ở bất cứ đâu cũng có thể tiếp cận y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng bất cứ khi nào mà nơi đâu họ cần. Đó là một lời kêu gọi lớn lao và chúng tôi đang nỗ lức hướng tới", đại sứ AGH tại Uganda nói. Ông Luwaga đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn chăm sóc y tế Uganda (UHF), Chủ tịch Hiệp hội HMO và là thành viên của Lực lượng đặc nhiệm bảo hiểm y tế quốc gia Uganda.

Đoàn kết vì mục tiêu sức khỏe cho người dân - Ảnh 4.

Các chuyên gia từ nhiều quốc gia châu Phi và châu lục khác tại hội nghị

CTV

AGH – đơn vị chính tổ chức hội nghị lần này là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận ra đời với mong muốn kết nối các chuyên gia từ nhiều quốc gia châu Phi với tầm nhìn chung là đoàn kết các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực y tế từ khắp châu Phi để cùng nhau tái định hình và thiết kế các chính sách y tế công cộng ở quy mô châu lục.

Hội nghị giảm thiểu rủi ro sức khỏe châu Phi lần thứ 2 và Nam – Nam lần thứ nhất vừa diễn ra tại Ma Rốc đã thông qua nghị quyết mang tên Nghị quyết Marrakech. Theo đó, nghị quyết nhấn mạnh quyết tâm thực hiện: Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ dưới sự quản lý của các nhà lãnh đạo và chuyên gia châu Phi, cả tiến bộ công và tư nhân trong phát triển y tế châu Phi; Tạo ra một phong trào đoàn kết chung, trong đó giới chuyên gia các nước Nam-Nam được huy động và chia sẻ cho châu lục trong quản lý y tế; Thúc đẩy sự hợp tác và dẫn dắt giữa các nước châu Phi để tạo ra các chính sách y tế thống nhất dựa trên bằng chứng, khuôn khổ phòng chống thiên tai và y tế, và ứng dụng công nghệ và đổi mới; Thông qua Hiến chương liên châu Phi về Giảm thiểu rủi ro sức khỏe kết hợp các yếu tố y tế, xã hội, kinh tế và tâm lý liên quan đến sức khỏe dân số trong các cộng đồng châu Phi đa dạng; Tạo điều kiện cho các luồng công việc chung hiệu quả và chuyên sâu giữa các chuyên gia từ châu Phi và các châu lục khác mở ra để thiết lập quan hệ đối tác và Văn phòng Y tế Toàn cầu.

Những người tham gia cũng cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác, đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế và tận dụng kiến thức tập thể của họ để đảm bảo tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng như một thực tế phổ quát. Họ tin rằng vai trò lãnh đạo của châu Phi trong nỗ lực này sẽ là ngọn hải đăng của hy vọng và tiến bộ, thúc đẩy một thế giới lành mạnh và công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Hơn 2.000 đại biểu là chính trị gia, quan chức chính phủ, nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các tổ chức khu vực, quốc tế, phi chính phủ từ hơn 80 quốc gia khắp châu Phi và các châu lục khác đã tập trung tại thành phố Marrakech của Ma Rốc từ ngày 27-29.9 để trao đổi, bàn luận về những kinh nghiệm, giải pháp và nỗ lực giảm thiểu rủi ro sức khỏe.

Hội nghị năm nay có chủ đề: "Sức khỏe ở châu Phi: nước, môi trường và an ninh lương thực", do Bộ Y tế và Bảo vệ xã hội; Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp, Phát triển Nông thôn, Rừng và Nước của Morroco phối hợp cùng tổ chức Y tế toàn cầu châu Phi (AGH-African Global Health) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Quốc vương Mohammed VI.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.