Đoàn Thị Hương bị tuyên án 3 năm tù giam, luật sư nói có thể 'về nhà' vào tháng sau
01/04/2019 11:01 GMT+7
Thẩm phán Azmi Ariffin đã tuyên án 3 năm và 4 tháng tù giam đối với Đoàn Thị Hương sau khi bị cáo nhận tội cố ý gây thương tích bằng “các phương tiện nguy hiểm” trong vụ án sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol .
Tự động phát
Thời gian thi hành án sẽ được tính từ ngày bị cáo Hương bị bắt là 15.2.2017.
Thẩm phán Ariffin của Tòa Thượng thẩm Shah Alam, bang Selangor của Malaysia, đã thông báo tội danh mới đối với Đoàn Thị Hương, và công dân Việt Nam đã nhận tội.
Tuy nhiên AFP dẫn lời luật sư biện hộ Hisyam Teh Poh trao đổi với các phóng viên bên ngoài phiên tòa rằng “Vào tuần đầu tiên của tháng 5, cô ấy sẽ về nhà”.
Ông Hisyam dự đoán Hương sẽ tiếp tục được giảm án, cho phép công dân Việt Nam về nước sớm.
Theo AFP, Hương đã mỉm cười khi rời phiên tòa.
Theo thẩm phán, bị cáo Hương đã phạm tội "cố ý gây thương tích bằng phương tiện nguy hiểm" theo điều 324 Bộ luật Hình sự Malaysia. Luật mô tả “các phương tiện nguy hiểm” là các vật dụng, hóa chất có khả năng gây chết người.
[VIDEO] Đoàn Thị Hương nhận tội danh nhẹ hơn, có thể được trả tự do sớm
|
Bản án tối đa đối với tội danh này là 10 năm tù giam, hoặc nộp phạt hoặc bị quất roi, hoặc tùy theo quyết định của thẩm phán.
Một luật sư khác của Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik trình bày trước tòa rằng việc nghi can nhận tội “là hành động mạnh mẽ cho thấy người bị truy tố nhận trách nhiệm về hành động của mình. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian xét xử”. Thẩm phán đã chấp nhận lời đề nghị này.
Trước đó, Hương bị truy tố theo Điều 302 của Bộ luật hình sự cho tội danh giết người, đồng nghĩa với mức án cao nhất là tử hình.
Tham dự phiên tòa có đoàn Đại sứ quán Việt Nam do Đại sứ Lê Quý Quỳnh dẫn đầu, ông Đoàn Văn Thạnh - bố đẻ của bị cáo, cùng đại diện cộng đồng người Việt tại Malaysia.
Phiên tòa tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo giới. Ước tính có khoảng 100 phóng viên trong nước và quốc tế đưa tin về phiên xét xử.
Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có nhiều nỗ lực để thực hiện công tác bảo hộ công dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các tù nhân. Đối với những vụ án điển hình, như vụ Đoàn Thị Hương, Đại sứ quán luôn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan và hỗ trợ các luật sư bào chữa cho bị cáo ở mức cao nhất có thể.
Những kẻ bị thế tội?
Công dân CHDCND Triều Tiên Kim Chol được cho là đã chết vì trúng phải chất độc thần kinh VX không lâu sau khi bị hai phụ nữ xịt một chất lỏng vào mặt tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur ngày 13.2.2017.
Nạn nhân Kim Chol còn được cho là có tên thật Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên.
Ngày 14.2.2017, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại sân bay Kuala Lumpur sau khi bị nhận dạng dựa trên camera an ninh của sân bay trùng với một trong hai người phụ nữ đã tiếp cận ông Kim. Người còn lại là công dân Indonesia Siti Aisyah, bị bắt không lâu sau đó.
Đoàn Thị Hương cho đến nay vẫn khẳng định cô không biết gì về âm mưu giết người này, mà tưởng rằng mình đang tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.
Phiên tòa xử vụ sát hại Kim Chol có diễn biến bất ngờ vào ngày 11.3.2019 sau khi phía công tố viên rút lại quyết định truy tố đối với bị cáo Aisyah của Indonesia.
Phía Indonesia xác nhận Bộ trưởng Luật pháp và Dân quyền Indonesia, Yasonna Laoly đã gửi thư cho Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đề nghị phóng thích Aisyah vì đương sự “đã bị lừa dối và không nhận ra mình bị biến thành công cụ” giết người. Tổng chưởng lý Thomas đã phúc đáp thư vào 8.3, đồng ý với đề nghị của phía Indonesia, dựa trên quan hệ hữu hảo và tốt đẹp giữa hai nước.
Trong khi quyết định trả tự do cho Aisyah hôm 11.3, tòa bác yêu cầu của đoàn luật sư biện hộ là tuyên bố trắng án đối với đương sự. Điều này có nghĩa là Aisyah có thể bị gọi tái thẩm nếu có chứng cứ mới và cô đã về nước sau đó. Trong phiên tòa tiếp theo vào hôm 14.3, tòa bác bỏ đơn đề nghị hủy cáo buộc và trả tự do cho Hương.
Đến ngày 17.3, Chủ tịch Hội luật sư Malaysia Abdul Fareed Abdul Gafoor yêu cầu Bộ Tư pháp nước này giải thích về bất nhất trong xét xử 2 nghi phạm sát hại. Luật sư Abdul Fareed từng là phó chủ tịch Hội luật sư Malaysia và vừa được bầu làm chủ tịch vào ngày 16.3. Luật sư của Đoàn Thị Hương là ông Salim Bashir Bhaskaran cũng được bầu làm thư ký hội.
Bình luận (0)