Đoàn tụ cùng con trai riêng của vợ, người đàn ông mong tìm được gia đình ruột

17/06/2024 12:12 GMT+7

Cuộc đoàn tụ với con trai riêng của vợ càng thôi thúc ông Lê Văn Mong (60 tuổi) tìm cha mẹ cùng 3 người anh ruột của mình đã thất lạc nhau hơn nửa thế kỷ. Khao khát đó ám ảnh người đàn ông đầu đã 2 màu tóc trong cả những giấc mơ...

Mong!

Những ngày nắng chói chang đan xen với một vài cơn mưa ở TP.HCM, trong căn nhà nhỏ bao quanh bởi những rặng dừa nước um tùm cạnh một ngôi đình ở H.Bình Chánh, vợ chồng ông Mong sống bình đạm qua ngày.

Đoàn tụ cùng con trai riêng của vợ, người đàn ông mong tìm được gia đình ruột- Ảnh 1.

Cuộc đoàn tụ với con trai riêng (quốc tịch Pháp) của vợ hồi năm ngoái càng thôi thúc ông Mong tìm lại cha mẹ ruột

CAO AN BIÊN

Các con đi làm xa, bà Cao Thị Hoa (51 tuổi), là vợ ông Mong bán nước giải khát kiếm thêm thu nhập, ông thì tất bật với công việc làm nông thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống tuổi xế chiều. Bên cạnh đó, ông cũng làm công việc trông coi, giữ gìn ngôi đình ở cạnh nhà.

Nhớ lại những ngày tháng 8.2023, cả gia đình của ông vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ cùng cậu con trai quốc tịch Pháp tên Paul, là con riêng của bà Hoa năm xưa cho đi. Dẫu vậy, nhưng ông Mong thì lúc nào cũng nói rằng làm gì có chuyện con riêng con chung, khi người đàn ông cũng xem Paul như con ruột của mình.

Từ cuộc đoàn tụ của Paul với các thành viên trong gia đình ông Mong, đã khiến người đàn ông luống tuổi rơi những giọt nước mắt hạnh phúc, nhưng cũng có chút chạnh lòng, khi suốt cả cuộc đời chưa thể đoàn tụ cùng cha mẹ, anh em ruột thịt. Khát khao tìm lại người thân ruột thịt trỗi dậy trong trái tim của người đàn ông quanh năm lam lũ.

Đoàn tụ cùng con trai riêng của vợ, người đàn ông mong tìm được gia đình ruột- Ảnh 2.

Đoàn tụ cùng con trai riêng của vợ, người đàn ông mong tìm được gia đình ruột- Ảnh 3.

Ông Mong được chuyển tới nhà nuôi trẻ Mầm Non 1 năm 1975.

CAO AN BIÊN

Ông nói rằng, như cái tên đã vận vào cuộc đời mình - Mong, cả cuộc đời, ông chỉ đau đáu một nỗi hoài mong đoàn tụ. Theo giấy tờ còn gìn giữ, ông Lê Văn Mong sinh năm 1964, trước đây là trẻ mồ côi của nhà nuôi trẻ Mầm Non 1, nay là Làng thiếu niên Thủ Đức (TP.HCM).

Ông Mong được cô nhi viện Nữ vương Hòa Bình (Đắk Lắk) chuyển đến nhà nuôi trẻ Mầm Non 1 vào ngày 26.12.1975 và ở đây cho đến ngày 13.3.1980 thì bước vào đời ở tuổi 14. Sau đó, người đàn ông làm đủ thứ nghề khác nhau để tự kiếm sống, nuôi thân.

Ký ức

Trong ký ức tuổi thơ của ông Mong, thời điểm trước 1975, cha mẹ gửi ông là con út cùng 3 người anh trai khác vào cô nhi viện Nữ vương Hòa Bình.

Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để nhớ chuyện gì xảy ra, có thể do chiến tranh loạn lạc. Tôi nhớ tên của các anh tôi, theo thứ tự: Lê Văn Thanh, Lê Văn Tiến, Lê Văn Minh và tôi Lê Văn Mong. Tôi còn nhớ hình ảnh 2 người anh đầu của tôi được cha mẹ đi xe Jeep đón từ cô nhi viện về, nói sẽ đón tôi và anh Minh sau. Nhưng sau đó không thấy cha mẹ và 2 anh thêm lần nào nữa...

Đoàn tụ cùng con trai riêng của vợ, người đàn ông mong tìm được gia đình ruột- Ảnh 4.Ông Lê Văn Mong, ngụ TP.HCM

Sau khi rời cô nhi viện 1980, ông Mong mất liên lạc với anh trai thứ 3 tên Minh. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, ông gặp bà Hoa và nên duyên vợ chồng cho tới nay, ngót nghét cũng hơn 25 năm.

Bà Hoa kể mình có 3 đời chồng. Đời chồng đầu tiên, bà sinh được một cô con gái, đặt tên Cao Thị Minh Tâm (hiện 33 tuổi) vẫn đang sống gần bà. Tuy nhiên, vì phải chịu cảnh bạo hành gia đình, bà đến với người đàn ông tên Phạm Thành Dũng (sinh năm 1971) và sinh ra anh Paul (một gia đình người Pháp nhận nuôi) cùng một người con trai khác nhưng tới nay vẫn chưa rõ tung tích.

Đoàn tụ cùng con trai riêng của vợ, người đàn ông mong tìm được gia đình ruột- Ảnh 5.

Bà Hoa mong tìm được gia đình ruột cho chồng

CAO AN BIÊN

Ông Mong có một vết sẹo ở tay phải và ở đùi trái từ nhỏ, không rõ nguyên nhân

Ông Mong có một vết sẹo ở tay phải và ở đùi trái từ nhỏ, không rõ nguyên nhân

CAO AN BIÊN

Từ ngày gặp được ông Mong, một người đàn ông hiền lành, tốt bụng và yêu thương vợ, 2 vợ chồng bà có 3 người con và sống hạnh phúc suốt bao năm qua. Dẫu rằng, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Từ ngày đoàn tụ cùng người con trai năm xưa cho đi, bà Hoa thấy hạnh phúc, nhưng vẫn không thôi trăn trở về câu chuyện của chồng mình.

“Tôi chỉ mong sao ông ấy tìm lại được cha mẹ, anh em ruột thịt. Cả cuộc đời ông ấy chỉ day dứt vì mỗi chuyện đó. Thương lắm! Lúc nào ông cũng nhắc tới gia đình, tới những chuyện ngày nhỏ, nhưng giờ vợ chồng cũng không biết sao mà tìm", bà xúc động.

Giấc mơ

Trong những giấc mơ, ông Mong không chỉ nhớ về những ký ức đã cũ, mà đôi khi còn thấy cảnh gia đình đoàn tụ, cha mẹ vẫn còn sống và anh em được nhìn lại nhau. Đó cũng là mong ước lớn nhất trong cuộc đời của ông lúc này.

Người đàn ông nói rằng ở tuổi này, mình không mong một cuộc sống giàu sang hay đầy đủ, chỉ mong sao được gặp lại đấng sinh thành đã sinh ra mình nếu không quá muộn, và được gặp lại các anh trai là đã không còn gì phải nuối tiếc.

Ông trông coi một ngôi đình ở H.Bình Chánh

Ông trông coi một ngôi đình ở H.Bình Chánh

CAO AN BIÊN

Gia đình ông Mong và vợ trong lần đoàn tụ với con trai người Pháp năm ngoái

Gia đình ông Mong và vợ trong lần đoàn tụ với con trai người Pháp năm ngoái

CAO AN BIÊN

Chị Huỳnh Thị Tuyết Oanh, là con dâu trong gia đình ông Mong, hiện đang làm việc ở Bình Phước cũng mong ước mơ của cha thành hiện thực. “Mong cha sẽ không còn phải day dứt vì gốc gác hay nguồn cội nữa, gia đình tôi cũng biết được tổ tiên, ông bà", chị bày tỏ.

Ai có tin tức của gia đình ông Mong vui lòng liên hệ qua số điện thoại: 0832.099.848 hoặc 0988.028.820 (gặp Oanh). Vô cùng biết ơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.