Doanh nghiệp bị phạt, hủy niêm yết vì bị kiểm toán từ chối làm việc

Mai Phương
Mai Phương
20/09/2024 05:57 GMT+7

Một số doanh nghiệp niêm yết đã bị các công ty kiểm toán từ chối cung cấp dịch vụ nên bị xử phạt, thậm chí cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Đồng loạt bị 30 công ty kiểm toán từ chối dịch vụ

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây đã ra thông báo về việc sẽ đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo do chưa nộp báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2024 theo quy định.

Cổ phiếu ITA đang bị hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay, doanh nghiệp (DN) này vẫn chưa nộp BCTC kiểm toán năm 2023 và BCTC soát xét bán niên 2024.

Đáng nói, nguyên nhân của sự việc là không có công ty kiểm toán nào chịu thực hiện dịch vụ cho công ty này. Trong công văn giải trình về việc chậm nộp các BCTC trước đó, Tân Tạo nêu rõ dù đã liên hệ với 30 công ty được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023 nhưng tất cả các công ty này đều từ chối. Tân Tạo cho rằng nguyên nhân mình bị từ chối là do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách kiểm toán của 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán BCTC cho công ty năm 2021, 2022 và BCTC soát xét bán niên 2023 bất bình thường, không minh bạch, khiến tất cả các công ty kiểm toán khác đều sợ sẽ bị đình chỉ tương tự.

Doanh nghiệp bị phạt, hủy niêm yết vì bị kiểm toán từ chối làm việc- Ảnh 1.

Doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm theo quy định

ẢNH: NHẬT THỊNH

Đây không phải lần đầu một DN bị công ty kiểm toán từ chối làm việc. Tập đoàn FLC cũng từng chưa thể nộp BCTC kiểm toán năm 2021 do thiếu công ty kiểm toán. Tập đoàn FLC ban đầu lựa chọn Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt, nhưng cuối tháng 3.2022, đơn vị này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách được kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Sau đó, FLC không thể tìm được công ty kiểm toán nào chấp nhận ký hợp đồng. Đến gần cuối tháng 7.2022, tập đoàn này thông báo đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán các BCTC năm 2021. Nhưng không lâu sau đó, FLC lại thông báo thay đổi bằng Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. 

Tuy nhiên, việc này vẫn bị trì hoãn và đến tháng 2.2024, FLC thông báo các BCTC kiểm toán năm 2021 của công ty chưa được phát hành và cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán BCTC năm 2022, 2023 vì một số lý do liên quan đến thất lạc hồ sơ, tài liệu… FLC cho biết đang nỗ lực phối hợp đơn vị kiểm toán thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định. Công ty CP Nông dược HAI - một công ty liên quan với Tập đoàn FLC - cũng có tình trạng tương tự và đến nay chưa hoàn thành BCTC kiểm toán năm 2021, từ đó chưa có cơ sở thực hiện BCTC kiểm toán năm 2022, 2023…

Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing, TP.HCM), trường hợp bị tất cả công ty kiểm toán từ chối như Tân Tạo là quá hiếm. Bởi các DN khác trước đó cũng bị một số công ty kiểm toán từ chối, nhưng sau đó vẫn có đơn vị khác chấp thuận thực hiện.

Doanh nghiệp tự thuyết phục đối tác

Trên thị trường chứng khoán, các công ty niêm yết sẽ chọn lựa một trong các DN kiểm toán trong danh sách các công ty được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán hằng năm. Vì thế, nếu như tất cả DN kiểm toán theo danh sách công bố từ chối cung cấp dịch vụ như Tân Tạo, đồng nghĩa công ty sẽ không thể công bố được BCTC kiểm toán theo quy định.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, nhận định các đơn vị kiểm toán từ chối ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với DN có thể do nhìn thấy nhiều rủi ro tiềm tàng, hay nói cách khác, hoạt động của công ty hoặc những thông tin về kế toán có vấn đề. Ví dụ, có thể số liệu kế toán của DN những năm trước đây quá lộn xộn, không rõ ràng hay thiếu các chứng từ để xác định. Trong đó, thường liên quan chi phí, trích lập dự phòng của DN để từ đó dẫn đến xác định kết quả kinh doanh. Bởi khi công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán kết nối, phải xác nhận kết quả kinh doanh của DN đúng hay sai. 

Ở một số DN, đơn vị kiểm toán sau khi hoàn tất kiểm toán có thể sẽ đưa ra các ý kiến ngoại trừ đối với những vấn đề không thể xác định hay không đủ tài liệu, chứng từ. Nếu có ý kiến ngoại trừ các vấn đề trọng yếu, liên quan khả năng hoạt động liên tục thì DN cũng phải giải trình với HOSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nếu vấn đề trọng yếu ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư thì có thể cơ quan quản lý cũng sẽ đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, hạn chế giao dịch…

"Quy định về kiểm toán, chuẩn mực kế toán kiểm toán của VN cũng tương tự nhiều nước. Việc các DN bị công ty kiểm toán từ chối trên thế giới cũng xảy ra là bình thường. Đây là hợp đồng dịch vụ tự nguyện giữa hai DN nên không có đơn vị nào can thiệp hay chỉ định. Các DN phải tự mình thuyết phục công ty kiểm toán chấp thuận cung cấp dịch vụ. Thậm chí có thể chấp nhận các ý kiến ngoại trừ mà kiểm toán đưa ra trong năm nay và thời gian thực hiện kéo dài cũng như chi phí cao hơn bình thường. Sau đó, công ty kiểm toán nếu tiếp tục cung cấp dịch vụ năm sau thì sẽ dễ dàng hơn", luật sư Trần Xoa nhận định.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Thuận cho rằng DN niêm yết phải bắt buộc thực hiện kiểm toán BCTC theo danh sách các công ty kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Đối với những công ty chưa niêm yết thì chỉ có một số ngành nghề bắt buộc như ngân hàng, công ty có vốn đầu tư nước ngoài… Những DN khác thì chưa có quy định kiểm toán bắt buộc. Vì vậy, khi DN bị công ty kiểm toán từ chối và cổ phiếu bị hủy niêm yết, sau đó cần tìm cách khắc phục lý do này để có thể thực hiện niêm yết trở lại. Hợp đồng kiểm toán là dịch vụ giữa hai DN nên không thể có trường hợp nào ngoại lệ là được bên thứ ba chỉ định, yêu cầu... 

Theo quy định, hằng năm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ công bố danh sách công ty kiểm toán và kiểm toán viên của từng công ty được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Ví dụ, năm 2023 có 30 công ty kiểm toán nhưng năm 2024 chỉ còn 28 công ty. Tương tự, số lượng kiểm toán viên được chấp thuận của từng công ty cũng thay đổi theo từng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.