Doanh nghiệp cá tra Việt lại bị ép

12/12/2015 07:25 GMT+7

Ngày 2.12, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã ban hành “Quy định cuối cùng”.

Ngày 2.12, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã ban hành “Quy định cuối cùng”. 

Chế biến ca tra, cá ba sa xuất khẩu - Ảnh: Chí NhânChế biến ca tra, cá ba sa xuất khẩu - Ảnh: Chí Nhân
Theo đó, các nước muốn xuất khẩu cá vào Mỹ phải có sự tương đồng về điều kiện nuôi trồng, vận chuyển, chế biến. Điều này làm các doanh nghiệp đang lo lắng kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ giảm mạnh.
Thiệt hại cả 2 bên
An Giang là một trong những địa phương có diện tích nuôi cá tra hàng đầu VN. Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang nhận xét: “Luật chơi như vậy rõ ràng là không công bằng. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do con cá tra của VN tăng trưởng quá nóng trong những năm trước và vẫn duy trì lượng xuất khẩu tương đối trong những năm gần đây. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành nuôi cá da trơn của Mỹ”. Để đảm bảo quyền lợi của nông dân Mỹ, nước này đã áp dụng các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá nhưng cũng không ngăn được con cá tra VN “bơi” vào thị trường Mỹ. Chính vì vậy mà đạo luật Farmbill ra đời (tháng 2.2014) dù trước đó cũng bị tranh cãi rất nhiều. “Việc giám sát tận vùng nuôi với định kỳ 3 tháng 1 lần đồng nghĩa với việc họ sẽ khống chế sản lượng xuất khẩu của VN theo từng quý. Tôi có cảm giác họ ép mình nhiều quá. Ngành cá tra của mình trong thời gian tới sẽ khó khăn dữ lắm”, ông Bình nói.
Theo TS Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra, đó là quy định vi phạm tự do thương mại của WTO, gây phương hại người nuôi cá và lao động trong lĩnh vực chế biến. Nhưng không chỉ có người VN bị ảnh hưởng về thu nhập mà còn ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động của Mỹ - những người trực tiếp chế biến, tạo giá trị gia tăng cho cá tra VN trên đất Mỹ. Ngoài ra người bị thiệt hại quan trọng chính là người tiêu dùng của Mỹ. “Nó là một chuỗi thiệt hại rất lớn cho cả 2 phía. Quan trọng hơn là nó đi ngược với xu hướng thị trường thương mại tự do của Mỹ. Nó thật sự là một rào cản đối với sản phẩm cá tra của VN trên đất Mỹ”, ông Dũng nói.
Thách thức cũng là cơ hội của ngành cá tra VN để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Đó là xu hướng của thế giới
Ông Dương Ngọc Minh,
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương
VN vẫn có lợi thế hơn nhiều nước
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ hoàn toàn khác, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương, cho rằng các doanh nghiệp (DN) nhỏ sản xuất chưa bài bản sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng với các DN có vùng nuôi, nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn (HACCP) thì sự khác biệt với phía Mỹ không lớn. Thủy sản Hùng Vương đã nhờ các luật sư nước ngoài tư vấn. Theo đó, sự khác biệt lớn nhất giữa VN với Mỹ chính là ở khâu vận chuyển cá từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Chúng ta vận chuyển đường thủy còn họ thì theo đường bộ. Chỉ cần làm rõ sự khác biệt này như thế nào và tìm hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cũng có quan điểm tương đồng khi cho rằng, quy định này sẽ gây khó khăn hơn cho việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Nhưng đó đã là luật của họ, rất khó thay đổi nên muốn tiếp tục phải chấp nhận. Nhiều DN trong nước cũng xây dựng vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGap, ASC, BAP (tiêu chuẩn của Mỹ)… Đây là những điểm xuất phát tốt, nếu xét theo quy định mới này.
Cũng theo ông Minh, quy định của luật này áp dụng đối với sản phẩm cá da trơn của tất cả các nước chứ không riêng gì VN. Nhưng ngành này của VN có lợi thế hơn so với các nước khác trong khu vực. VN lại sắp chuẩn bị ký TPP. "Theo tôi được biết, các nhà đàm phán TPP đã tính đến tình huống này rồi. Trên những cơ sở đó, tôi cho rằng nếu quy định mới được áp dụng thì VN vẫn có lợi thế hơn so với các nước khác ở cùng ngành hàng như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc… Thách thức cũng là cơ hội của ngành cá tra VN để nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Đó là xu hướng của thế giới" - ông Minh nói.
Dù phản đối quy định trên, nhưng TS Dũng cũng cho rằng, đây cũng là cơ hội để chúng ta tự nhìn nhận lại cũng như tính đến việc nâng cấp sản xuất, chất lượng. Đó là một thị trường có giá trị xuất khẩu lên đến 300 triệu USD, chúng ta không thể để mất. Việc nâng cấp phải bắt đầu từ nuôi trồng đến chế biến. Đây cũng là trách nhiệm của những nhà sản xuất khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, trước mắt Bộ NN-PTNT nên thảo luận với phía Mỹ về quy chuẩn tương đương, có lộ trình để không tạo nên căng thẳng đối với DN trong nước. Bên lề TPP, tranh thủ sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ việc đã hứa sẽ hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Farmbill với cá tra. Chúng ta còn có thể tìm thêm sự ủng hộ từ phía những nhà nhập khẩu Mỹ, những chính khách lâu nay luôn ủng hộ tự do hóa thương mại, ủng hộ VN…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.