Tốt nghiệp loại giỏi vẫn không xin được việc

Doanh nghiệp cần sinh viên đáp ứng những yêu cầu nào?

Phúc Kha
Phúc Kha
13/08/2024 06:55 GMT+7

Lãnh đạo các doanh nghiệp mong muốn trường đại học cần cải tiến chương trình đào tạo phải gắn với thực tiễn, sinh viên tăng cường đi thực tập, rèn luyện kỹ năng mềm để khắc phục tình trạng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nhưng đi làm không đáp ứng được công việc của doanh nghiệp.

Sinh viên thiếu đủ thứ

Theo các doanh nghiệp (DN), ứng viên tìm việc làm với các bằng cấp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều, thậm chí rất nhiều. Nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp thì rất ít.

Doanh nghiệp cần sinh viên đáp ứng những yêu cầu nào?- Ảnh 1.

Nhiều sinh viên khi ứng tuyển không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp

PHÚC KHA

Ông Nguyễn Thanh Đảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quảng cáo và xúc tiến thương mại Đông Nam (TP.HCM), nhận thấy thực trạng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc của DN là khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân là có sự khác nhau giữa kiến thức nhà trường và thực tiễn. Trên ghế nhà trường, các bạn học chăm chỉ, hăng hái làm bài, cố gắng hoàn thành giáo án nhưng chưa chú trọng khâu ứng dụng.

Ông Đảo cũng cho biết việc sinh viên ra trường đi làm trái ngành hoặc năng lực không đáp ứng được yêu cầu của DN còn có trách nhiệm của các trường đại học. Hiện nay, nhiều trường mở rất nhiều ngành, bị áp lực tuyển sinh, đầu vào chưa được tốt ảnh hưởng đầu ra, số lượng sinh viên tốt nghiệp quá lớn trong khi sinh viên đáp ứng yêu cầu của DN thì rất ít. Từ đó dẫn đến thực trạng người thì không thiếu mà thiếu người làm được việc.

Ông Lê Vũ Hoàng Lân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp nền tảng số Việt Nam, đánh giá: "Một bộ phận sinh viên học đại học thì chỉ lo học kiến thức chuyên môn, không tập trung EQ, rèn luyện khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc văn phòng. Các bạn thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp với người xung quanh, không quan tâm đến người bên cạnh đang làm gì, thiếu chủ động, ngại kết nối với đồng nghiệp, khách hàng, không sẵn sàng hỗ trợ người khác khi được nhờ vả, chỉ biết công việc của mình. Do vậy, khi đi làm bị đánh giá thấp. Kỹ năng mềm là điều cơ bản và cần thiết nhất song song với kỹ năng chuyên môn".

Theo chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp - việc làm. Ngoài ra, còn có một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác, các DN rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa DN và tác phong làm việc công nghiệp.

Bí quyết đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp

Ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Đông A Solutions (TP.HCM), cho biết không chỉ kiến thức, DN còn quan tâm đến tinh thần, thái độ và khả năng tập trung, vượt khó của nhân sự. Do vậy, sinh viên nên chịu khó đi làm thêm từ thời đại học cho dù việc làm không liên quan ngành đang học. Những chi tiết này sẽ tăng sức thuyết phục cho các bạn trong mắt nhà tuyển dụng.

Doanh nghiệp cần sinh viên đáp ứng những yêu cầu nào?- Ảnh 2.

Sinh viên cần thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng mềm

PHÚC KHA

Ngoài kiến thức chuyên môn hay kỹ năng cứng, DN còn quan tâm đến thái độ sống, kỹ năng mềm, trách nhiệm với cái chung, khả năng tổ chức công việc… Khi còn đi học, sinh viên nhiệt tình tham gia các câu lạc bộ, Đoàn - Hội, dự án cộng đồng hay đội nhóm sở thích… ở vai trò chủ động; nghĩa là tham gia chứ không chỉ là tham dự.

"Tôi đã từng tuyển rất nhiều bạn tốt nhờ các yếu tố này. Tôi thà chọn một bạn có kết quả học tập khá nhưng có thái độ và kỹ năng tốt với những biểu hiện thuyết phục, thay vì một bạn có kết quả giỏi hay xuất sắc nhưng chỉ học vẹt hoặc chảnh chọe", ông Trần Bằng Việt nhấn mạnh.

Ông Lê Vũ Hoàng Lân thông tin DN không cần những sinh viên quá xuất sắc, họ chỉ cần những bạn làm được việc, biết sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo thì có lợi thế làm việc. Thị trường làm việc hiện nay khác lúc trước. Ngày xưa tập trung vào chuyên môn nhiều hơn vì chưa có công cụ hỗ trợ. Hiện nay, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, công ty cần 1 - 2 bạn có kiến thức xuất sắc để làm việc liên quan đến chuyên môn. Khi công cụ phát triển thì công ty có thể có nhiều cách để khai thác, đào tạo chuyên môn cho nhân viên, nếu bạn học giỏi mà không có kỹ năng giao tiếp, EQ thì công ty cũng không chấp nhận.

"Hiện tại bằng đại học như phổ cập kiến thức nền tảng, các bạn muốn phát triển ở DN thì phải tự học, kiến thức ở đại học đã lạc hậu so với thực tế. Nhiều bạn năm 1, năm 2 đã đi thực tập có sự tiếp xúc với môi trường thực tiễn, tốt hơn những bạn chỉ lo học ở trường. Nhà trường cần kết hợp với DN tổ chức lớp bổ trợ kiến thức cho sinh viên trong từng học kỳ, cho sinh viên đi thực tập ở các DN", ông Lê Vũ Hoàng Lân nói.

Đồng quan điểm với ông Lê Vũ Hoàng Lân, ông Nguyễn Thanh Đảo cũng mong muốn các trường cần tăng thời gian cho sinh viên thực tập ở DN, học đi đôi với ứng dụng, khối kỹ thuật thì xuống nhà máy, khối kinh tế xã hội đi thực tập ở những DN phù hợp để các bạn cọ xát, hình dung công việc thực tế yêu cầu như thế nào. Từ đó, sinh viên điều chỉnh những điều thiếu sót của bản thân.

Ngoài ra, nhà trường phải làm tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu nhân lực ngành nghề của xã hội. Đừng coi ngành nào dễ tuyển sinh thì chạy theo, đầu vào không cao, trong khi nhu cầu xã hội không cần, thành ra sinh viên ra trường dôi dư, rồi thất nghiệp. Nhà trường đầu tư chiều sâu những khối ngành nhu cầu xã hội đang cần, nâng cao chất lượng đào tạo.

"Sinh viên cần xác định sở thích, niềm đam mê của mình để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Khi lựa chọn ngành nghề nào thì phải tập trung chuyên sâu. Hiện nay, rất nhiều sinh viên học xong nhưng khi hỏi kiến thức nền, xã hội cũng không nắm rõ thì rất khó để xin việc. Trong khối ngành kinh tế, xã hội, để ra trường có việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh với người khác, ngoài những kiến thức nền ở nhà trường, đòi hỏi sinh viên cần có những kỹ năng làm việc nhóm, đàm phán với khách hàng, thấu hiểu đồng nghiệp, khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa, xã hội, chính trị…", ông Đảo chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.