Thông tin này được nêu ra trong buổi làm việc của đại diện Tổ chức ĐH Pháp ngữ, các đơn vị đào tạo và tuyển dụng nhân lực ngành du lịch tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng nay 6.12.
Sử dụng cả hướng dẫn viên đã hết tuổi lao động
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phạm Kim Ngọc, Amica Travel, cho biết thực trạng hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp ở TP.HCM hiện rất thiếu. Cụ thể, theo công bố của Sở Du lịch TP.HCM, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Pháp của thành phố này hiện chỉ có 218 người, Hà Nội có trên 400 người. Trong khi năm ngoái lượng khách du lịch đến Việt Nam khoảng 13 triệu lượt người, có đến 40% khách đến TP.HCM và trong số này rất nhiều khách đến từ Pháp.
Từ thực tế doanh nghiệp mình, bà Kim Ngọc cho biết mỗi năm doanh nghiệp này đón từ 260.000 đến 300.000 lượt khách nói tiếng Pháp. Trong khoảng thời gian cao điểm (tháng 11 đến tháng 4 hằng năm), bà Ngọc cho biết phải sử dụng nhiều hướng dẫn viên không có thẻ gồm các sinh viên năm cuối hoặc những người nói tiếng Pháp tốt nhưng không còn trong độ tuổi lao động.
tin liên quan
Bối rối cơ chế đặc thù đào tạo các ngành hút nhân lực
“Doanh nghiệp biết rõ đang vi phạm luật lao động khi sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thẻ hành nghề nhưng không có cách nào khác vì không thể từ chối khách hàng. Nếu từ chối, khách du lịch sẽ đi sang các quốc gia khác”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Đại diện Horizon Việt Nam Travel cũng nói, hướng dẫn viên trẻ nói tiếng Pháp hiện rất ít và chủ yếu là người cao tuổi. Các doanh nghiệp mong muốn tuyển được hướng dẫn viên trẻ vì ở họ có nhiều sự nhiệt tình.
Về chất lượng nhân lực, bà Kim Ngọc cho biết: “Chúng tôi vừa tuyển dụng một vị trí chăm sóc khách hàng, trong 6 hồ sơ ứng viên nhận được có 3 người tốt nghiệp nước ngoài, 1 sinh viên vừa tốt nghiệp trong nước và còn lại là ứng viên đang làm việc ở nơi khác. Quá trình phỏng vấn trực tiếp cho thấy, việc đào tạo trong nước hiện chưa đáp ứng đúng yêu cầu thực tế, nhất là khả năng tư duy độc lập, làm việc nhóm và sự sáng tạo trong công việc. Điều này ứng viên học nước ngoài có khả năng vượt trội so với trong nước, kể cả người đã đi làm”.
Tuyển cử nhân ngoại ngữ làm du lịch
Một điểm đáng chú ý với các doanh nghiệp lữ hành là tuyển dụng nhiều nhân sự làm du lịch tốt nghiệp các ngành ngoại ngữ. Nhưng theo bà Kim Ngọc, tuyển người tốt nghiệp ngành ngôn ngữ vào làm du lịch doanh nghiệp phải đào tạo lại chuyên môn. Có người mất tới 1-2 năm mới đào tạo được các kỹ năng chuyên môn cơ bản. “Đây là bất cập trong đào tạo và sử dụng nhân lực du lịch trong khi Chính phủ đã xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn”, bà Ngọc nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thức Thành Tín, Bộ môn Du lịch khoa Tiếng Pháp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin ngành tiếng Pháp của trường đào tạo theo 3 hướng, trong đó có chuyên ngành du lịch. Có tới 1/3 sinh viên chuyên ngành này được doanh nghiệp mời làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp. Tuy nhiên một trong những khó khăn hiện vẫn là cách ghi trên bằng tốt nghiệp vì đào tạo du lịch nhưng sinh viên chỉ nhận bằng tiếng Pháp. “Chúng tôi mong muốn được phép ghi thêm dòng chữ chuyên ngành du lịch trên bằng cử nhân tiếng Pháp để sinh viên dễ xin việc hơn”, ông Tín đề xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại, Trưởng đại diện Văn phòng dự án tại TP.HCM (Tổ chức ĐH Pháp ngữ), cũng nói vấn đề nan giải của các trường ĐH hiện nay là chất lượng người học, thể hiện ở khả năng tìm việc của sinh viên. Trước cơ chế đào tạo nhân lực du lịch theo hướng đặc thù được Bộ GD-ĐT cho phép, các trường cần ngồi lại với nhau cùng doanh nghiệp để làm mới chương trình đào tạo, tiến tới công nhận chương trình lẫn nhau để tiết kiệm chi phí đào tạo lại cho các doanh nghiệp.
Tổ chức ĐH Pháp ngữ tài trợ 28.000 EUR đào tạo nhân lực du lịch tại Việt Nam Sáng 6.12, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố dự án Tăng cường và chuyên nghiệp hóa đào tạo du lịch bằng tiếng Pháp. Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác của mạng lưới các trường ĐH có sử dụng tiếng Pháp, được Tổ chức ĐH Pháp tài trợ 28.000 EUR để thực hiện trong 3 năm. Cam kết tham gia dự án có các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, các đơn vị đào tạo du lịch trong và ngoài nước. Dựa trên chương trình mới xây dựng, sinh viên được học trực tiếp với giảng viên quốc tế, có cơ hội làm luận văn theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, bảo vệ bằng tiếng Pháp trước hội đồng của dự án. |
Bình luận (0)