(TNO) Kết quả một cuộc khảo sát được công bố hôm 10.6 cho thấy các công ty châu Âu đang mất lòng tin vào nền kinh tế Trung Quốc, với nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch sa thải nhân viên khi Bắc Kinh trầy trật thúc đẩy tăng trưởng và bắt tay vào một chiến dịch chống độc quyền.
Kinh tế Trung Quốc vẫn đang ngụp lặn trong gam màu xám - Ảnh: Reuters
|
Từ các nhà chế tạo ô tô đến các hãng rượu vang, công ty công nghệ..., giới doanh nghiệp châu Âu từ nhiều năm nay đã hướng sang Trung Quốc để tìm cơ hội tăng doanh số khi triển vọng tăng trưởng ở quê nhà giảm sút.
Nhưng chỉ 28% doanh nghiệp được Phòng Thương mại châu Âu khảo sát ở Trung Quốc nói rằng họ “lạc quan” về khả năng sinh lợi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Số người được hỏi xem Trung Quốc là điểm đến đầu tư nằm trong “tốp 3” đã giảm xuống còn 58% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Tỷ lệ 541 công ty được khảo sát lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Trung Quốc giảm xuống còn 56% từ mức gần 90% cách đây 2 năm, với gần 2/3 dự định sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí.
“May là các công ty châu Âu biết cách đối phó với những khó khăn”, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, nói với hãng tin AFP, “Nhưng các công ty ở đây càng lâu, họ càng ít lạc quan”.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,4% hồi năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 24 năm, và tình trạng trì trệ kéo dài đến năm nay.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết dịch chuyển nền kinh tế khỏi những dự án đầu tư có chi phí cao và hướng tới tiêu dùng cá nhân, song song với việc đấu tranh chống tham nhũng và trấn áp hành vi độc quyền.
Nhưng gần 2/3 công ty được thăm dò năm nay nói rằng một “môi trường pháp lý không thể dự đoán” là rào cản đối với doanh nghiệp, theo cuộc khảo sát.
Trung Quốc trong năm qua đã khởi động các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào một số công ty nước ngoài có tiếng, dẫn đến những cáo buộc rằng nước này thực hiện tiêu chuẩn kép khi cho phép một số công ty nội địa thống lĩnh một số thị trường.
Một phần ba người được hỏi tin rằng lịch trình cải cách đầy tham vọng của Bắc Kinh “đã không tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài”, báo cáo viết.
Báo cáo cho biết thêm rằng tốc độ thực hiện lịch trình cải cách “vẫn không được như mong đợi của các công ty châu Âu”.
Những người được hỏi cũng viện dẫn tốc độ kết nối internet chậm và hoạt động kiểm duyệt trên mạng là những rào cản khác cho doanh nghiệp.
“Hệ thống chặn website của Trung Quốc có nghĩa là không chỉ internet có tốc độ chậm mà các công ty châu Âu còn bị tước đi cách thức hợp pháp hóa hoạt động nghiên cứu.
Ông nói thêm rằng dù một số công ty đang tìm kiếm các thị trường đang nổi khác làn nguồn tăng trưởng, cho đến nay họ vẫn “án binh bất động”.
“Tâm trạng lạc quan đang thu hẹp nhưng nó vẫn còn đó. Chúng tôi chưa thấy công ty châu Âu nào rời Trung Quốc”, ông nói.
Theo ông, từ nhiều năm nay, chỉ Trung Quốc là động lực thúc đẩy tăng trưởng của họ, nhưng nay về cơ bản, “họ có quyền lựa chọn và những lựa chọn khác”.
Bình luận (0)