10 Doanh nghiệp thành lập, 9 Doanh nghiệp chết
|
Theo một chuyên gia kinh tế, số DN thành lập ở thời điểm này luôn được coi là kỷ lục nhưng số DN giải thể, ngừng hoạt động cũng gần tương ứng cho thấy, việc thành lập mới chỉ theo phong trào chứ chưa hoạt động bền vững. Về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể dùng phép tính cơ học lấy số DN thành lập mới trừ số chết đi để cho ra số DN thực hoạt động. Số DN mới là tín hiệu đáng khích lệ, nhưng lượng chết đi cũng là con số đáng chú ý trên nhiều khía cạnh. Trong số 3.268 DN giải thể trong quý 1, có 3.008 DN có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, chiếm 92%. Điều này cho thấy diễn biến tình hình kinh doanh không phải dễ dàng, xuôi chèo mát mái mà còn nhiều khó khăn, chông gai đối với các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Chẳng hạn như lãi suất còn cao, chi phí ngoài luồng lớn, chi phí logistics cao, khiến DN khó cạnh tranh với DN các nước ASEAN khác. “Cần theo dõi số DN thành lập mới tiếp tục hoạt động như thế nào trong 6 - 9 tháng tiếp theo, và số DN chết được “tái sinh” như thế nào mới có thể rõ hơn về sức sống của DN”, ông Doanh nhận xét.
Theo TS Võ Trí Hảo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nếu không tính số DN quay trở lại hoạt động thì số thành lập mới tương đương với số lượng giải thể và tạm ngừng hoạt động. Điều này không phải là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nhưng cũng chưa đáng lo. Bởi trong nền kinh tế, khi có sự cạnh tranh mạnh sẽ khiến các DN không phù hợp, không đứng vững thì tất yếu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Điều này phần nào cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu chuyển đổi mạnh và chất lượng của các DN sẽ tốt hơn vì có sự cấu trúc lại.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng không phải cứ theo số DN ra đời mới là phát triển. Ở các nước, việc thành lập DN và giải thể rồi lập công ty mới là bình thường vì đó là việc cần thiết để chuyển đổi mô hình hoạt động cho phù hợp thị trường. Tại VN có thể trong thời gian tới với việc khuyến khích hoạt động khởi nghiệp thì con số DN ra đời đồng thời với tạm ngừng hoạt động hay giải thể có thể sẽ còn nhiều hơn. Tuy nhiên, số DN trong ngành bất động sản ra đời nhiều là tín hiệu không khả quan và chưa đi đúng mục tiêu của Chính phủ là khuyến khích phát triển DN trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao…
Còn theo TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, thông thường số lượng DN giải thể và tạm ngừng hoạt động trong quý đầu năm đều cao hơn các quý sau. Vì vậy, số liệu quý 1 vừa qua không quá đáng lo. Thế nhưng, Chính phủ cần xem xét đưa ra bộ chỉ số đánh giá riêng về tình hình hoạt động của khối DN tư nhân để có những phân tích chính xác hơn. Bởi với các chỉ số chung như hiện nay thì không rõ khối DN tư nhân đang phát triển như thế nào. Ví dụ, tình hình xuất khẩu đang bị che mờ đi bởi những DN có vốn đầu tư nước ngoài nên nhìn chung đều khá tích cực.
Nút thắt tăng trưởng
Tính đến giữa tháng 3, chi đầu tư phát triển mới đạt 32.600 tỉ đồng, bằng 9,1% dự toán cả năm 2017 và giảm 18,7% cùng kỳ năm 2016. Chi đầu tư cho phát triển của chúng ta trong vài năm gần đây đã giảm mạnh. Bình quân từ năm 2005 - 2010, chúng ta dành 32% chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, nhưng năm 2010 còn 21,6%, 2011 còn 20,9%, 2012 còn 19,9%, 2013 giảm hẳn xuống 17,9%, 2014 chỉ còn 16,2%. Trong khi đó, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ lớn. Theo bảng cân đối ngân sách 2017, chi cho đầu tư phát triển 357.150 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 25,7%, trong khi chi thường xuyên đã lên đến 896.280 tỉ đồng, tương đương hơn 39,3 tỉ USD, chiếm gần 64,46% tổng chi ngân sách. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là nút thắt tăng trưởng kinh tế.
Theo TS Võ Trí Hảo, tăng trưởng của VN từ trước đến nay chủ yếu dựa vào đầu tư công. Do đó, khi mức đầu tư này giảm xuống thì sẽ khiến chỉ số GDP tăng thấp. Thế nhưng đây là điều cần thiết và Chính phủ không nên chạy theo con số tăng trưởng cao. Chính phủ chỉ nên tạo ra các chính sách, môi trường để khuyến khích các DN phát triển mạnh ở mọi lĩnh vực. Từ đó tạo ra sự phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn cho nền kinh tế. Bởi khi đẩy mạnh đầu tư công thì có thể lại sản sinh một lớp DN ra đời nhưng chỉ sống bám vào các dự án đầu tư công hay thậm chí sinh ra những công ty con, những công ty sân sau của các tập đoàn nhà nước để hưởng lợi từ việc đầu tư đó.
TS Đinh Thế Hiển phân tích thêm: VN chi đầu tư công mạnh trong nhiều năm qua dù đã phần nào thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng cũng gây ra nhiều lãng phí. Nhiều dự án lớn của nhà nước phải trùm mền, thua lỗ nặng nề. Do đó, nếu theo đúng định hướng tái cấu trúc nền kinh tế thì phải xem xét chất lượng đầu tư hơn là số lượng. Số liệu của quý 1 về đầu tư công giảm sút chưa nói lên được nhiều điều nhưng cho thấy phần nào thể hiện được tính nhất quán của Chính phủ. Chúng ta cần đầu tư đúng trọng điểm, không đầu tư tràn lan để kiềm chế lạm phát.
Năm 2017 dự kiến thu ngân sách hơn 1,2 triệu tỉ đồng, tương đương 53 tỉ USD. Tuy nhiên, trong đó thu thuế thu nhập DN chỉ đạt 8,8 tỉ USD và thu thuế thu nhập cá nhân chỉ có 3,55 tỉ USD. TS Hiển nhận định, cả nước có hơn 500.000 DN nộp thuế và khoảng 10 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân, đây chính là nguồn thu bền vững so với những nguồn thu từ dầu thô, từ đất… nhưng tỷ lệ thu còn khiêm tốn. Việc đầu tư của nhà nước có chọn lọc cũng là cơ hội để khuyến khích các DN tư nhân đầu tư phát triển ở nhiều lĩnh vực hơn. Đồng thời, cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để DN phát triển, đây mới thực chất là động lực tăng trưởng kinh tế cho VN trong dài hạn.
Bình luận