'Doanh nghiệp công nghệ bán sản phẩm cho Mỹ dùng nhưng bán trong nước không ai mua'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/06/2024 11:58 GMT+7

Đại biểu lo lắng khi Việt Nam kỳ vọng trở thành miền đất hứa thu hút ngành công nghiệp bán dẫn nhưng sự chuẩn bị về cơ chế chính sách để tận dụng được cơ hội sớm nhất, nhanh nhất thì chưa thấy rõ.

Sáng 6.6, chất vấn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Phó thủ tướng cho biết về cơ hội tham gia ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế khi kinh tế số vừa qua phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng 12 - 15% một năm.

'Doanh nghiệp công nghệ bán sản phẩm cho Mỹ dùng nhưng bán trong nước không ai mua'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu câu hỏi chất vấn

GIA HÂN

Người Việt Nam cũng có nhiều tố chất như yêu toán, khéo léo… để tham gia vào ngành này. Cùng với đó, việc đào tạo các chuyên ngành liên quan tới công nghệ thông tin, vật lý, vật liệu… vừa qua cũng được chú trọng. “Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Hà khẳng định.

Tuy vậy, để tận dụng được lợi thế, ông Hà nói Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ để đáp ứng nhu cầu.

Việc đào tạo nhân lực, Phó thủ tướng lưu ý, cần chú trọng đào tạo lại, đào tạo tại chỗ các kỹ sư để họ tiếp cận ngay, tham gia vào chuỗi sản xuất ở các khâu như đóng gói, kiểm chuẩn… Cùng đó là đào tạo chuyên sâu để họ tham gia vào các khâu sản xuất chuyên sâu hơn, cốt lõi.

Chính phủ đã có chủ trương chọn các trường đại học, xây dựng trung tâm chip bán dẫn, đầu tư phòng lab hiện đại… để tận dụng các cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất lĩnh vực công nghệ cao này. Cạnh đó, đưa ra các chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chip, bán dẫn.

'Doanh nghiệp công nghệ bán sản phẩm cho Mỹ dùng nhưng bán trong nước không ai mua'- Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Văn Hạ tranh luận với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà

GIA HÂN

Về lâu dài, Phó thủ tướng cho rằng cần chính sách để Việt Nam có thể xây dựng, nghiên cứu sâu hơn về công nghệ lõi mà các nước phát triển đều nắm bản quyền, không chuyển giao.

Nắm bắt các khâu "là cả vấn đề"

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nói, sau đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, tạo cơ hội tốt của Việt Nam.

“Chúng ta đã từng kỳ vọng đón lấy cơ hội này để trở thành miền đất hứa thu hút ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Hạ nhìn nhận. Tuy nhiên, theo đại biểu, Phó thủ tướng chỉ mới nêu lên tiềm năng của Việt Nam, chuẩn bị nguồn nhân lực. Trong khi vấn đề hiện nay là làm sao tận dụng được cơ hội sớm nhất, nhanh nhất, biến những tiềm năng thành lợi thế để thu hút nhà đầu tư.

Qua thông tin đại chúng, ông Hạ thông tin, Trung Quốc đã bỏ ra 45,5 tỉ USD, Hàn Quốc bỏ hơn 7 tỉ USD để hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn này.

“Hệ thống chính sách của Việt Nam như thế nào, chúng ta phải chuẩn bị những gì để thu hút được các nhà đầu tư”. Trong khi ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp công nghệ bán sản phẩm cho Mỹ sử dụng, nhưng bán trong nước không ai mua. Vậy phải làm như thế nào để khuyến khích, tạo ra động lực, phát huy tiềm năng nội tại của đất nước", ông Hạ nêu vấn đề.

'Doanh nghiệp công nghệ bán sản phẩm cho Mỹ dùng nhưng bán trong nước không ai mua'- Ảnh 3.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các đại biểu sáng 6.6

GIA HÂN

Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng cho biết, việc tham gia đầy đủ các chuỗi giá trị, nắm bắt các khâu trong ngành công nghiệp này "là cả vấn đề". Ông nói, Việt Nam có lợi thế là được các nước đang làm chủ công nghệ sản xuất có thể ưu tiên chuyển giao một phần công nghệ. 

Dù vậy, thực tế thì để nắm bắt công nghệ, làm chủ sản xuất là cả một vấn đề cần phải nghiên cứu cơ bản, kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau và triển khai một cách lâu dài. 

Phó thủ tướng cũng thông tin, hiện Thủ tướng chỉ đạo là đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản và các trường đại học có thể dùng chung. Cùng đó, trung tâm đổi mới sáng tạo tiến hành những khâu đầu cũng như nghiên cứu cơ bản để có thể làm chủ được các bước sau. 

"Những đầu tư này rất lớn, chẳng hạn đầu tư khu vực sản xuất thử được cũng cần 7 tỉ đô la Mỹ", ông Hà nói và khẳng định, công việc này cần phải có nhà nước tham gia về nguồn lực nhưng quan trọng nhất cần sự tham gia của khối doanh nghiệp vì cần căn cứ vào nhu cầu của thị trường.

"Không đơn giản sản xuất ra cái chip mà cái chip đó phải cạnh tranh được với các thị trường lớn", ông Hà nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.