Đó là chia sẻ của ông Trần Dinh - Ủy viên Ban Đầu tư và Ứng dụng của Hiệp hội Blockchain Việt Nam và là CEO của công ty AlphaTrue tại Hội thảo với chủ đề “Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quyền sở hữu đối với tài sản ảo và khuyến nghị cho Việt Nam” vào ngày 06/10 vừa qua.
Đây là hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng chủ trì. Hội thảo được tổ chức vì sự cấp thiết cần có những nghiên cứu để đưa ra khung pháp lý về quyền sở hữu tài sản số, từ đó tạo cơ sở xác lập quyền sở hữu, giải quyết các tranh chấp dân sự và hành vi phạm tội liên quan đến tài sản số.
Tại sự kiện, là người đứng đầu AlphaTrue - công ty deal-sourcing chuyên đưa ra giải pháp về blockchain và DeFi, ông Trần Dinh đại diện góc nhìn phía doanh nghiệp để đưa ra những khuyến nghị ban hành chính sách dành cho blockchain tại Việt Nam.
Quan điểm của các quốc gia về blockchain và tài sản kỹ thuật số
Estonia là nước đi tiên phong dùng blockchain để quản lý hợp đồng của chính phủ và đã triển khai chương trình e-Residency nhằm số hóa toàn bộ giấy tờ công dân, quản lý các tài sản có chủ quyền như sổ đỏ, giúp cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng quản lý.
Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo nhằm nhận diện bản chất pháp lý của tài sản số |
Về CBDC, báo cáo năm 2022 của PWC cho biết có 68 ngân hàng công khai đang nghiên cứu CBDC nhưng chỉ có Quần đảo Bahamas và Nigeria thực sự đã phát hành CBDC. Các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc đang thực hiện những bước đi thận trọng, cụ thể, Mỹ đang nghiên cứu triển vọng về tiền số pháp định quốc gia còn Trung Quốc đang thí điểm e-CNY tại các thành phố lớn.
Một vấn đề nhạy cảm khác, theo ông Dinh, chính là huy động vốn qua chứng khoán. Các doanh nghiệp truyền thống thường phát hành cổ phiếu thông qua IPO, nhưng đối với doanh nghiệp blockchain, họ sẽ có các hình thức ICO/ITO/STO, tức phát hành token hoặc coin để huy động vốn. Ở Mỹ, những đợt phát hành token của doanh nghiệp đều do Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) quản lý. Trong khi đó, Hàn Quốc không cấm huy động vốn qua token nhưng sẽ điều tra gắt gao các trường hợp ICO/ITO/STO. Còn Trung Quốc có quan điểm rất rõ ràng: cấm toàn bộ hoạt động ICO/ITO/STO.
Theo ông Dinh, Việt Nam cần quan tâm đến trường hợp Singapore là quốc gia đã có luật về STO do Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) ban hành, chính vì sự cởi mở đó nên các doanh nghiệp do người Việt sáng lập thường huy động vốn ở Singapore nhưng điều này đang dẫn đến hiện trạng “chảy máu chất xám” khi doanh nghiệp Việt phải khai sinh tại nước ngoài vì ở chính quê nhà họ không có quy định cụ thể về ICO.
Đóng thuế thế nào đối với tài sản số?
Ông Dinh nhận định: “Tại Việt Nam, có ba điều mà chúng ta cần quan tâm, đó là thuế, nhân lực và công nghệ. Nhiều doanh nghiệp blockchain Việt Nam hiện không biết đóng thuế ra sao và đưa tài sản số vào bảng cân đối kế toán như thế nào vì không có luật rõ ràng quy định về vấn đề này”. Trong khi các quốc gia trên thế giới đều rất quan tâm việc đánh thuế các mảng liên quan đến tiền số, như sàn giao dịch, ví điện tử, lưu ký, đào tiền…
Ông Trần Dinh chia sẻ về chính sách pháp lý quốc tế và đưa ra các khuyến nghị từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam |
Ông Dinh cho biết mỗi quốc gia có một hệ thống thuế khác nhau, nhưng hệ thống thuế đầy đủ, phức tạp nhất do Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) ban hành. Hầu hết các chính phủ tập trung vào thuế thu nhập từ tài sản của các cá nhân. Ví dụ, Mỹ và EU thu thuế 10-37% lợi nhuận từ tài sản số.
Hiện nay tại Việt Nam, khối lượng giao dịch tài sản số mỗi ngày lên đến hàng triệu USD nhưng việc thu thuế vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Báo cáo trong năm 2021, 2022 của Chainalysis cho thấy Việt Nam thuộc top quốc gia có chỉ số chấp nhận tiền số cao nhất thế giới.
Từ đó, ông Dinh mong muốn cần có sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nhằm đưa ra khung pháp lý về loại hình tài sản mới này một cách toàn diện và có tính khả thi cao, góp phần hoàn thiện quy định về thuế liên quan đến tài sản kỹ thuật số.
Bình luận (0)