Doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất về thủ tục đất đai

10/05/2024 06:44 GMT+7

Ngày 9.5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) 2023.

Báo cáo PCI 2023 ghi nhận 8 xu hướng đáng chú ý về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Phần nhiều xu hướng mang tính tích cực. Tuy nhiên, một trong những xu hướng không mấy lạc quan là trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát ghi nhận, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) không gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh đã liên tục giảm từ 55,2% năm 2021 xuống 48% năm 2022 và xuống 40,7% năm 2023. "Gần 73% DN cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021", ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI kiêm Trưởng ban Pháp chế (VCCI), nhấn mạnh.

Cạnh đó, xu hướng kém tích cực khác được VCCI nêu ra là điểm trung bình của chỉ số thành phần tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước. Tỷ lệ DN cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN tư nhân là 82,1%, giảm từ con số 86% của năm 2022. Trong khi đó, 77,1% DN cho biết UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh (năm 2022 là 79,7%).

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai

Đình Sơn

Có 51,5% DN đồng ý với nhận định: "Các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố", tăng từ con số 50,4% của năm 2022. Chỉ 40,8% DN quan sát thấy "chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho DN hoạt động là ổn định và nhất quán" vào năm 2023, giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021. "Các chỉ số về tính năng động đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, cần xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh", ông Đậu Anh Tuấn nói.

Trong bảng xếp hạng PCI năm nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 71,25 điểm. Có bước tiến lớn về điểm số (2,49 điểm) và tăng tới 8 bậc so với năm 2022, Long An giành vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2023 với 70,94 điểm (năm ngoái vị trí này thuộc về Bắc Giang). Đáng chú ý, nằm ở vị trí phía dưới của top 30, 2 đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM và Hà Nội bám sát nhau ở vị trí 27 và 28. Nếu so với PCI 2022, TP.HCM thành công trong trụ hạng, còn Hà Nội lại tụt tới 8 bậc.

Ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận: "Nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong PCI 2023 có một số gương mặt mới so với năm 2022. Đó là các tỉnh Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa. Đây là dấu hiệu cho thấy các tỉnh ở nhóm sau có sự bám đuổi và bứt phá mạnh mẽ để bước vào top 30 của bảng xếp hạng PCI".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.